Từ trưa đến chiều tối 21-7, Hà Nội và nhiều nơi ở miền Bắc bắt đầu có mưa tầm tã. Từ khoảng 16 giờ, các trục đường chính dẫn ra cửa ô Hà Nội bắt đầu ùn tắc nhẹ do dòng người mặc áo mưa vội vã rời nơi làm việc để về nhà tránh bão. Không khí khẩn trương, nhưng không hỗn loạn.

Lúc này, tâm bão còn ở ngoài vịnh Bắc bộ (dự báo trưa 22-7 tâm mới vào bờ) nhưng Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình… đã có mưa to, gió mạnh dần lên.

Chiều 21-7, ông Bùi Xuân Hải, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Hải Phòng, cho biết, địa phương đã yêu cầu nhiều bến phà dừng hoạt động. Những cây cầu như Hoàng Văn Thụ, Đình Vũ - Cát Hải, Kiền, Bính đã dần hạn chế các phương tiện và người đi bộ khi có gió mạnh.
Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Hải Phòng báo cáo đã có mưa vừa, mưa to từ trưa 21-7. Bộ Chỉ huy Quân sự và Công an TP Hải Phòng đã huy động hơn 35.400 người hỗ trợ người dân tránh bão. Lãnh đạo TP Hải Phòng đã thành lập nhóm Zalo chỉ đạo ứng phó bão với 114 chủ tịch xã, phường, đặc khu và các sở, ngành.

Chiều cùng ngày, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có công văn yêu cầu các tỉnh, thành phố có tàu thuyền hoạt động trên Vịnh Bắc bộ huy động lực lượng cưỡng chế đưa tàu về bờ. Tổng cộng có 6 địa phương đã ra lệnh cấm biển gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường báo cáo: Dọc dải ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có hơn 29.000 lồng bè, gần 4.000 chòi canh và gần 150.000ha nuôi thủy sản có nguy cơ bị ảnh hưởng. Các địa phương đã yêu cầu di dời toàn bộ lồng bè, chòi canh đến nơi an toàn từ ngày 21-7.
Ngày 21-7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã dẫn đầu đoàn công tác đi chỉ đạo công tác ứng phó bão mạnh, kiểm tra các hoạt động chuẩn bị “4 tại chỗ”.

Phó Thủ tướng đã kiểm tra tại cảng cá Ngọc Hải, phường Đồ Sơn (TP Hải Phòng). 100% phương tiện tại đây đã được đưa vào nơi trú bão an toàn. Tổng số du khách lưu trú: 1.335 người, trong đó có 55 khách nước ngoài. UBND TP Hải Phòng báo cáo hơn 6.600 hộ dân với trên 19.700 người ở khu vực nguy cơ sạt lở. Tại đặc khu Cát Hải còn gần 280 du khách lưu trú.

Cùng ngày, tại tỉnh Quảng Ninh, trong khi các lực lượng vẫn kiên trì tìm kiếm các nạn nhân của vụ đắm tàu du lịch Vịnh Xanh 58, các đơn vị khác cũng chạy đua ứng phó bão. Đặc khu Cô Tô nằm trong tâm bão.

Tại xã Thanh Lân (đặc khu Cô Tô), tàu đã về bờ trú bão. Đặc khu Cô Tô đã tổ chức 44 chuyến tàu, đưa hơn 8.800 khách rời đảo trở lại đất liền. Người dân trên đảo đã thu dọn cửa hàng, tháo biển hiệu, gia cố nhà cửa. Công an và biên phòng hỗ trợ cắt tỉa cây, chằng chống mái.


Quyết liệt ứng phó cơn bão số 3
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục ký Công điện số 117 yêu cầu các bộ ngành, địa phương khẩn trương triển khai ứng phó. Theo đó, chủ tịch UBND các tỉnh phải đảm bảo an toàn tàu thuyền, không để người dân ở lại trên tàu. Thủ tướng đã phân công các đoàn cụ thể hỗ trợ từng địa phương ứng phó bão: Bộ Quốc phòng ứng phó tại tỉnh Quảng Ninh, Bộ Công an tại TP Hải Phòng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tại tỉnh Ninh Bình, Bộ Xây dựng tại tỉnh Hưng Yên…
Hàng không hủy chuyến, hàng hải tạm dừng giao nhận hàng
Ngày 21-7, nhiều hãng hàng không đã hoãn, hủy chuyến do ảnh hưởng bão số 3. Vietnam Airlines hủy 5 chuyến TPHCM - Hải Phòng, 2 chuyến TPHCM - Côn Đảo. Pacific Airlines hủy 2 chuyến, khởi hành sớm 2 chuyến. VietjetAir tạm dừng 8 chuyến TPHCM - Quảng Ninh, Hải Phòng, chuyển hướng 2 chuyến đi Seoul.
Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu theo sát diễn biến, điều chỉnh kế hoạch bay. Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam cho biết nhiều cảng ở Hải Phòng, Quảng Ninh tạm dừng giao nhận hàng. Công ty Thông tin điện tử Hàng hải Việt Nam đã phát cảnh báo bão để tàu chủ động tránh trú.
Các bộ, ngành và địa phương vẫn đang khẩn trương, tích cực triển khai công tác phòng chống bão trong bối cảnh mưa ngày càng nặng hạt, gió mạnh dần…