Miễn, giảm giá vé, giá dịch vụ luyện tập thể dục, thể thao cho nhiều đối tượng

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua với tỷ lệ tán thành đạt 93,84% trên tổng số ĐBQH.
Kết quả biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục Thể thao
Kết quả biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục Thể thao

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đã trình Quốc hội Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật.

Đáng lưu ý, tiếp thu ý kiến ĐBQH, tại khoản 1 Điều 65, Luật đã quy định: trong quy hoạch, các dự án xây dựng trường học, khu đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, doanh trại đơn vị vũ trang nhân dân phải dành quỹ đất để xây dựng công trình thể thao theo quy định của Chính phủ.

Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến đại biểu, nhằm đảm bảo tính thống nhất với Luật Người khuyết tật số 51/2010/QH12, Luật Người cao tuổi số 39/2009/QH12, Luật Trẻ em số 102/2016/QH13 và quyền lợi cho các đối tượng khác, trong đó có hộ nghèo, hộ cận nghèo, Luật cũng đã quy định: trẻ em, học sinh, sinh viên, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các đối tượng khác được miễn, giảm giá vé, giá dịch vụ luyện tập thể dục, thể thao tại các cơ sở thể thao theo quy định của Chính phủ.

Về việc phát triển môn bơi, Báo cáo tiếp thu giải trình cho biết, có ý kiến ĐBQH cho rằng cần quy định bơi là môn học chính khóa trong nhà trường hoặc như một tiêu chí bắt buộc khi học sinh ra trường.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, bơi không chỉ là môn thể thao rèn luyện sức khỏe, thể chất mà còn là kỹ năng sinh tồn. Tuy nhiên, với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay, việc quy định bơi là môn bắt buộc trong chương trình chính khóa là khó khả thi. Hầu hết các trường chưa có bể bơi, giáo viên dạy bơi. Việc tổ chức cho học sinh học bơi sẽ làm phát sinh chi phí, tạo gánh nặng cho học sinh, phụ huynh và nhà trường, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa, miền núi”, ông Phan Thành Bình giải trình.

Tiếp thu ý kiến ĐB, đồng thời đảm bảo tính khả thi của điều luật, tạo điều kiện thuận lợi phát triển môn bơi, Luật đã quy định trách nhiệm của nhà nước và nhà trường trong việc ưu tiên phát triển môn bơi; xác định trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định trách nhiệm phối hợp của cơ sở thể thao công lập do mình quản lý với cơ sở giáo dục để sử dụng công trình thể thao phục vụ giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường.

Tin cùng chuyên mục