Chưa tết đã sạch hàng
Cặm cụi chăm sóc từng quả bưởi trong khu vườn nhà ở thôn Nước Vương (xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi), anh Phạm Ngọc Hải, một trong những hộ dân đầu tiên trồng bưởi tạo hình hồ lô ở miền sơn cước này, cho biết, hơn 100 gốc bưởi bonsai trong vườn nhà đều phát triển rất tốt, đã được thương lái đặt mua với giá cao gấp hàng chục lần so với bưởi thường.
“Giống bưởi bonsai mua về trồng trong các chậu. Nhưng để tạo ra trái hình hồ lô có dáng đẹp không hề đơn giản. Qua nhiều công đoạn, kéo dài 5-6 tháng kể từ khi đưa khuôn hồ lô vào từng trái bưởi chỉ với kích thước bằng nắm tay, bưởi lớn dần, các khuôn hình hồ lô khắc sẵn các chữ Phúc, Lộc, Thọ… có sơn đen sẽ được thay thế cho phù hợp với từng thời điểm phát triển của trái bưởi. Cùng với đó, quá trình tạo hình bưởi hồ lô cần phải chăm sóc kỹ hơn, bón phân, theo dõi, chỉnh sửa thường xuyên”, anh Phạm Ngọc Hải chia sẻ. Anh Hải nói thêm, ở xã Sơn Liên có hàng chục nhà vườn trồng bưởi bonsai tạo hình hồ lô như anh, với số lượng hàng ngàn chậu. Đến nay, thương lái đã đến đặt mua hết, chờ cận tết đến chở đi.
Cũng như bưởi bonsai ở xã Sơn Liên, bưởi Khe Mây cũng được thương lái đến đặt cọc từ giữa tháng 11 âm lịch.
Kỳ công, thu lợi lớn
Đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các loại hoa “độc và lạ”, nhiều nhà vườn tại miền Trung đã sáng tạo ra các mẫu mã mới để bù sản lượng. Gần 100 chậu mai thế của nhà bà Trần Thị Lý (khối phố Sơn Phô 2, phường Cẩm Châu, TP Hội An, Quảng Nam) được người chơi đến đặt cọc thuê chưng tết từ đầu tháng 12 âm lịch. Giá thuê từ 8-15 triệu đồng/gốc cho 10 ngày tết (25 tháng Chạp đến mùng 5 Tết). Năm nay bà Lý hy vọng sẽ thu được vài trăm triệu đồng.
“Nghe thì dễ dàng nhưng trồng mai khó lắm. Để có cây mai ra hình ra dáng cũng mất hàng chục năm trời. Đến mùa tết, nếu trời nắng mình phải mua lưới về che để mai không bung sớm. Trường hợp hoa nở trễ, phải nâng chậu lên cao nhằm cắt đứt rễ của cây với mặt đất, sau đó bón phân nhẹ và tưới nước lạnh liên tục để cây nuôi hoa. Giờ chỉ đợi đến rằm tháng Chạp, mai vàng bung vỏ xanh thì chắc chắn trúng đậm”, bà Lý phấn khởi cho biết.
Tuy vậy, chậu quất có giá cao nhất phải kể đến là ở vườn ông Lê Trung (tổ 18, thôn Bến Trễ). Ông sở hữu gần trăm cây quất thế cổ thụ, cao từ 3 - 4m. Năm nay, ông trồng 800 chậu quất, khoảng 20% trong đó là quất thế, những cây có giá bán từ 30 - 60 triệu đồng ước khoảng 50 chậu. Ông Trung cho biết, ông ít bán cây quất thế cho khách hàng, trừ những người quen thân, mà chủ yếu là cho doanh nghiệp, khách sạn thuê tết với giá từ 20-25 triệu đồng/cây (từ 10-15 ngày). Cá biệt, có cây đến nay chỉ riêng tiền cho thuê, ông thu về khoảng 100 triệu đồng.
Gặp những người trồng hoa tết ở khu vực cuối nguồn sông Hương thuộc địa bàn các xã Phú Mậu, Phú Thanh (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế), ai cũng bảo khó nói trước được điều gì, vẫn tiếp tục trông trời. Với thời tiết được xem là thuận lợi như năm nay, ai cũng hy vọng sẽ cung ứng đủ cho thị trường hoa tết những chậu hoa đẹp nhất.
Còn đồng bào ở huyện vùng cao A Lưới (Thừa Thiên - Huế), sau thời gian trồng thử nghiệm thành công, nay đã mạnh dạn mở rộng mô hình trồng hoa ly ly và tulip. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, cho biết, ly ly và tulip có khả năng thích nghi tốt với khí hậu A Lưới, lại là loại hoa được thị trường yêu thích. UBND huyện đã hỗ trợ giống cho các hộ, tăng lên 15.000 củ giống mỗi loại; đồng thời, liên hệ và ký biên bản ghi nhớ với nhiều siêu thị để phân phối hoa A Lưới. Dự kiến, hoa ly ly giá bán trung bình 45.000 đồng/cành, lợi nhuận bình quân một cành khoảng 22.000 - 25.000 đồng. Hoa tulip 150.000 - 200.000 đồng/chậu 5 cây, trong khi chi phí sản xuất chỉ tốn khoảng 60.000 đồng/chậu”.