Chiều 16-10, ông Nguyễn Hữu Vui, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết, hiện một số địa phương ở khu Đông các huyện Tuy Phước, Phù Mỹ (Bình Định) xuất hiện ngập lụt, giao thông chia cắt.
Trong khi đó, tại Nghệ An, từ đêm 15 đến ngày 16-10, mưa lớn kéo dài khiến nhiều khu vực bị ngập lụt nặng. Nhiều tuyến đường ở TP Vinh như Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai, Đinh Công Tráng, Đặng Thái Thân… bị ngập nặng, có nơi 0,5-0,7m gây ùn tắc giao thông… Khu dân cư tại phường Đông Vĩnh, xã Hưng Đông (TP Vinh) cũng bị ngập, hoa màu bị hư hại.
Sáng 16-10, đã có gần 3.000 học sinh của 7 trường học từ bậc mầm non đến tiểu học, THCS ở các xã Phương Điền, Phương Mỹ, Hương Đô… phải nghỉ học do ngập đường giao thông. Tại huyện Hương Sơn, có gần 4.000 học sinh của 19 trường phải nghỉ học để đảm bảo an toàn.
Thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cho biết, trong ngày 17-10, ở khu vực từ Nghệ An đến Quảng Trị tiếp tục có mưa vừa, mưa to. Trong đó, riêng khu vực phía Nam Nghệ An và Hà Tĩnh có nơi mưa rất to (lượng mưa 100-150mm); khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 80-150mm, có nơi trên 170mm). Từ đêm 17-10, mưa lớn ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có xu hướng giảm. Nhưng mưa lớn ở khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên tiếp tục kéo dài đến hết ngày 19-10.
Do mưa lũ đang diễn ra phức tạp, để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, ngày 16-10, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã ra Công văn số 496/TWPCTT-VP gửi ban chỉ huy các tỉnh từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa đề nghị triển khai ứng phó. Trong đó, khu vực miền núi kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường, các sự cố để chủ động phòng tránh. Khu vực đồng bằng kiểm tra, rà soát các khu vực trũng thấp, khu dân cư tập trung có nguy cơ ngập lụt và các địa bàn thường xuyên bị chia cắt; sẵn sàng phương án sơ tán dân, đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Các tỉnh, thành phố trong vùng mưa lũ sẵn sàng tổ chức lực lượng canh gác, hướng dẫn người dân và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, sông suối, khu vực đường giao thông bị ngập, bến đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn; kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, hạ du hồ chứa...