Đó là quan điểm của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, TS Phùng Quốc Hiển, khi nói về yếu tố quyết định sự thành công của tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước - đã được Chính phủ khẳng định quyết tâm “tăng tốc”.
* Phóng viên: Thưa ông, liệu việc CPH hơn 400 DNNN trong hai năm 2014 - 2015 có khả thi?
* Ông PHÙNG QUỐC HIỂN: Nếu như tình hình kinh tế khá lên và có cơ chế tốt thì hai năm không phải là thời gian quá ngắn. Ngược lại, đừng nói 2 năm mà có thể 10 năm cũng không xong.
* Loại trừ yếu tố khách quan là tình hình kinh tế, có ý kiến cho rằng một trong những yếu tố quan trọng cản trở CPH DNNN là sự lúng túng trong khâu định giá đất đai và đặc biệt là thương hiệu. Ông nghĩ sao?
* Định giá thương hiệu khó nhất, vì nó là tài sản vô hình. Mà tài sản vô hình thì đo lường rất khó. Nhưng theo tôi không phải không có cách giải. Chúng ta hãy thực hiện đúng theo cơ chế thị trường, tức là đưa ra đấu giá. Việc định giá chỉ là bước đầu nhằm đưa ra một mức giá sàn, sau đó những người có nhu cầu mua cùng tham gia, ai trả giá cao thì bán.
* Nghĩa là có thể đấu giá thương hiệu?
* Đấu giá cả doanh nghiệp, bao gồm thương hiệu. Thương hiệu cũng là yếu tố quan trọng để nhà đầu tư quyết định tham gia đấu giá, trả giá bao nhiêu. Tại sao Coca Cola với Pepsi, sản phẩm không khác nhau là mấy, nhưng Coca Cola được định giá cao hơn, chính là do thương hiệu của nó giá trị hơn. Khi đưa lên sàn đấu giá công khai như thế - chứ không phải chỉ bán cho một nhóm đối tượng hạn chế nào đó - sẽ tránh được rất nhiều tiêu cực. Có thể nói nguyên tắc vàng ở đây là sự minh bạch.
* Dường như chúng ta chưa có thiết chế nào để định giá thương hiệu của DNNN khi CPH?
* Có thể sử dụng những cơ quan tư vấn về định giá để tránh việc nhà nước bị thiệt (hoặc người có thẩm quyền trong quá trình CPH lợi dụng để tư túi). Nhưng đã định giá tài sản vô hình thì khó chính xác tuyệt đối và còn phụ thuộc cán cân cung - cầu trên thị trường trong từng giai đoạn. Theo tôi, quan trọng bây giờ là phải định được giá sàn tương đối hợp lý, còn lại để cho thị trường quyết định. Cung - cầu thị trường chính là bàn tay vô hình giúp chúng ta định giá doanh nghiệp chính xác nhất.
* Như ông vừa nói, tình hình kinh tế chung chưa thực sự sáng sủa, vậy đưa DNNN ra đấu giá rộng rãi có “đắt hàng”, nhất là khi khối quốc doanh vẫn bị đánh giá hoạt động kém hiệu quả?
* Nếu đã làm đúng theo nguyên tắc công khai minh bạch rồi nhưng vẫn không bán được thì phải xem lại mình đã đánh giá DNNN đúng chưa. Thực ra, giá trị tài sản trên sổ sách là một chuyện, trong khi thị trường lúc lên, lúc xuống. Khư khư bảo toàn vốn có khi thị trường không chấp nhận. Phải uyển chuyển hơn, miễn không tạo ra kẽ hở để bị lợi dụng.
* Trước đây nhiều DNNN bán được nhanh chóng không phải nhờ sản xuất kinh doanh, mà chủ yếu do nhà đầu tư nhìn thấy chênh lệch địa tô lớn. Bây giờ Luật Đất đai 2013 quy định CPH DNNN phải xác định giá đất sát với giá thị trường. Như vậy DNNN có còn hấp dẫn nhà đầu tư?
* Đã mua bán thì cốt lõi là thuận mua vừa bán, cung - cầu gặp nhau. Yếu tố quyết định vẫn là thị trường. Trước đây nếu có những quy định chưa hợp lý, dẫn đến giá trị đất bị xác định thấp, đó là giá phải trả cho bài học về CPH.
ANH THƯ thực hiện