Thông qua Na Uy, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam có thể đưa hàng hóa sang các nước Bắc Âu, nhất là Khối mậu dịch tự do châu Âu (EFTA - gồm Na Uy, Thụy Sĩ, Iceland, Liechtenstein).
Thị trường Na Uy có sức mua lớn, nhu cầu cao với những mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh, như thủy hải sản, giày dép, dệt may, đồ gỗ trang trí nội thất, rau quả và hạt điều.
Nắm bắt được bối cảnh và tiềm năng thương mại giữa hai nước, Công ty Trading Foe đã xây dựng nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới với mục tiêu trở thành cầu nối thúc đẩy hoạt động giao thương giữa DN Việt Nam với DN Na Uy nói riêng và khu vực Bắc Âu nói chung.
Trading Foe cải thiện quy trình thương mại quốc tế thông qua tự động hóa mọi hoạt động giao thương xuyên biên giới, dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm các đối tác thương mại ở nước ngoài, giúp nhà nhập khẩu lẫn nhà xuất khẩu tiết kiệm chi phí và tăng doanh thu.
Các chuyên gia của Công ty Trading Foe cũng cho biết, hiện nay các thủ tục thông quan hàng hóa tại Na Uy khá thuận tiện. Thông thường, một đại lý giao nhận mà DN xuất khẩu ủy quyền có thể thay mặt DN làm các thủ tục thông quan cho hàng hóa.
DN chỉ cần khai điện tử, sau đó đại lý giao nhận gửi thông tin đến hệ thống thông quan của hải quan Na Uy. Quan trọng nhất là các DN phải chủ động nghiên cứu, trải nghiệm thực tiễn, từ đó dần cải thiện kỹ năng bán hàng qua thương mại điện tử.
Theo ông Lê Hải Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, thương mại điện tử là phương thức mở rộng thị trường phù hợp cho các DN vừa và nhỏ. Song hiện nay các DN thương mại Việt Nam vẫn đang ưu tiên kinh doanh theo phương thức truyền thống, giao dịch trực tiếp với đối tác nên hạn chế phát triển thị trường mới, tốn nhiều chi phí cho hoạt động quảng bá, hội chợ. Trong khi đó, xu thế của các nước đang phát triển là ưu tiên chọn xuất khẩu thông qua thương mại điện tử như các trang bán hàng trực tuyến, để tiết giảm chi phí và tăng hiệu quả. |