Thế nhưng, kể từ khi Thông tư số 30/2015 của NHNN quy định việc cấp giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng có hiệu lực đến nay thì tình trạng người dân vay vốn của các công ty tài chính bị đòi nợ theo kiểu xã hội đen không hề giảm.
Người dân vẫn phải vay vốn ở các tổ chức tín dụng với lãi suất cao không khác gì vay tín dụng đen trước đây. Khác chăng là tín dụng đen thì không hợp pháp, còn tổ chức tín dụng phi ngân hàng thì được cấp phép hợp pháp và hoạt động tinh vi hơn.
Một số bà con ở tỉnh mang hồ sơ đến Báo SGGP phản ánh chỉ vay của công ty tài chính 200 triệu đồng, sau 2 năm không trả nổi lãi đã bị các sim rác nhắn tin đe dọa, rồi bị tạt sơn vào nhà, và cuối cùng gia đình bị những người do các công ty tài chính ủy quyền bắt phải ký giấy nhận nợ… 600 triệu đồng. Như vậy, tính ra lãi suất lên đến 100%/năm.
Trong khi đó, Bộ luật Dân sự quy định mức lãi vay do các bên thỏa thuận nhưng không quá 20%/năm. Nếu lãi cao hơn gấp 5 lần, tức hơn 100%/năm thì sẽ bị xử lý hình sự. NHNN đã cấp phép cho các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, song không có giải pháp kiểm tra xử lý nên các công ty tài chính tự do tung hoành, cho vay với lãi suất cao. Ngay cả các ngân hàng cũng thành lập công ty tài chính để cho vay vượt trần lãi vay theo quy định của NHNN.
Cuối năm 2018 vừa qua, nhiều ngân hàng báo cáo thu lợi nhuận “khủng” từ… công ty tài chính! Đó là điều bất hợp lý, dân bức xúc, nhưng NHNN vẫn không có ý kiến gì. Mặc dù việc cho vay lãi suất cao (quá 20%/năm) diễn ra khắp nơi, bị người dân và báo chí phản ánh thường xuyên, nhưng các tổ chức tín dụng hoạt động công khai cho vay với lãi suất cao tại các cửa hàng, trung tâm mua sắm… vẫn không bị xử lý.
Mới đây, NHNN ban hành Thông tư 01/2019 (sẽ có hiệu lực từ ngày 20-3-2019) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 30/2015. Người dân vốn kỳ vọng thông tư mới sẽ có quy định xử lý các tổ chức phi ngân hàng cho vay với lãi suất cao, nhưng đã bị thất vọng. Các quy định sửa đổi chỉ là kỹ thuật từ ngữ, còn việc kiểm soát hoạt động này chưa được làm nghiêm. Ngay trong điều kiện cấp phép ban đầu cũng chỉ quy định cấp phép cho đơn vị không vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính, nhưng vì thiếu kiểm tra nên dù vi phạm khắp nơi mà các tổ chức này vẫn không bị xử lý và vẫn hoạt động mở rộng.
Như vậy, việc ban hành thông tư này chẳng khác nào hợp pháp hóa cho tín dụng đen hoạt động hợp pháp và hoành hành. Người dân vay vốn ở tổ chức hợp pháp nhưng với lãi vay của tín dụng đen và chịu sự đòi nợ kiểu tín dụng đen. Còn các tổ chức tín dụng phi ngân hàng vẫn thu lợi nhuận khủng mà không hề bị xử lý.