
Nhằm đẩy mạnh hoạt động tiết kiệm năng lượng (TKNL), Bộ Công nghiệp đã thực hiện chương trình TKNL thương mại thí điểm (viết tắt là CEEP). Mục đích của chương trình hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp cải tạo công nghệ sản xuất, giảm mức tiêu hao năng lượng. Chương trình này được gia hạn đến cuối tháng 6-2009 (trước đây là cuối tháng 6-2008).Để giúp bạn đọc hiểu thêm về nội dung chương trình cũng như các cơ hội để có thể tiếp nhận nguồn vốn hỗ trợ thực hiện TKNL, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Ngọc Kiều Linh, phụ trách dự án CEEP tại Trung tâm TKNL TPHCM.
- PV: Bà có thể nói rõ hơn về nội dung chương trình CEEP và những thay đổi cụ thể?

- Bà NGUYỄN NGỌC KIỀU LINH: Theo kế hoạch ban đầu, Chương trình CEEP - hợp phần thứ hai của Dự án Quản lý nhu cầu điện và TKNL Việt Nam do Bộ Công nghiệp thực hiện dưới sự hỗ trợ về vốn từ Quỹ Môi trường toàn cầu kéo dài trong 4 năm (2004-2008).
Tổng vốn đầu tư là 7,32 triệu USD của Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ. Tuy nhiên, để tạo cơ hội cho nhiều doanh nghiệp được nhận nguồn vốn hỗ trợ, chương trình CEEP đã mở rộng thêm thời gian đến năm 2009. Cụ thể, chương trình CEEP chia ra làm 3 mốc thời gian. Thời gian để nhận tài trợ cao nhất của dự án (từ 25% - 40%) là nộp hồ sơ đăng ký và thực hiện dự án trước ngày 30-9-2006 đã được mở rộng thành trước ngày 30-6-2007.
Tương tự, nếu đăng ký tham gia và thực hiện dự án trong khoảng thời gian từ 30-6-2007 đến 30-6-2008 sẽ nhận mức hỗ trợ từ 19% - 30% tổng mức đầu tư; nhận hỗ trợ đầu tư từ 13% đến 20% nếu đăng ký thực hiện dự án ở năm cuối cùng từ 30-6-2008 đến 30-6-2009.
- Vậy sự thay đổi trên có ảnh hưởng gì đến mục tiêu và nội dung của chương trình CEEP?
- Trọng tâm của chương trình vẫn được giữ nguyên. Nghĩa là, vẫn hỗ trợ các nhà cung cấp các sản phẩm và dịch vụ TKNL để nâng cao chất lượng và mở rộng phạm vi kinh doanh của họ với những đơn vị sử dụng năng lượng theo những mô hình kinh doanh phù hợp với nền kinh tế thị trường của Việt Nam.
Chương trình cũng khuyến khích đầu tư dự án cụ thể để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; hỗ trợ và thử nghiệm các mô hình kinh doanh TKNL; thu hút quan tâm của các doanh nghiệp đối với đầu tư vào TKNL; chú trọng các giải pháp TKNL đơn giản, điển hình và có tính nhân rộng; khuyến khích cạnh tranh trong nước về cung cấp dịch vụ TKNL; xây dựng hệ thống đào tạo và tài trợ thông thoáng; hỗ trợ nhưng không làm biến dạng thị trường dịch vụ.
Riêng tại TPHCM, sẽ xây dựng thử nghiệm các cơ chế, mô hình kinh doanh TKNL nhằm làm giảm lượng điện tiêu thụ trong sản xuất, kinh doanh. Trong thời gian tới, phấn đấu giảm lượng điện tiêu thụ khoảng 13.171 MWh/năm.
- Còn đối với doanh nghiệp, điều kiện để tham gia vào chương trình CEEP cũng như quyền lợi của họ có gì thay đổi?
- Nhìn chung, tất cả điều kiện tham gia cũng như quyền lợi họ được hưởng chưa có gì thay đổi.
- Bà có thể nói cụ thể hơn về điều kiện cũng như quyền lợi của doanh nghiệp?
- Về đối tượng vẫn là các khách sạn, tòa nhà văn phòng, các đơn vị dịch vụ, thương mại và công nghiệp… đang sử dụng năng lượng. Doanh nghiệp muốn tham gia phải đang hoạt động; có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi tiềm năng tiêu thụ điện đạt mức trung bình hoặc lớn; có nhu cầu đầu tư nâng cao việc sử dụng tiết kiệm điện và khả năng đầu tư thực hiện dự án TKNL tối thiểu là 10.000 USD và không khống chế mức đầu tư tối đa. Tuy nhiên ở mức đầu tư từ 150.000 USD trở lên thì mức tài trợ không tăng nữa.
Còn về mặt quyền lợi, doanh nghiệp sẽ nhận được sự hỗ trợ cả về mặt kỹ thuật và tài chính. Cụ thể như về kỹ thuật, doanh nghiệp được Trung tâm TKNL TPHCM hỗ trợ thực hiện đánh giá sơ bộ tiềm năng của doanh nghiệp để nắm tình hình sử dụng điện của doanh nghiệp; kiểm toán năng lượng chi tiết nhằm xác định những lĩnh vực sử dụng điện lãng phí và tìm ra những giải pháp TKNL phù hợp nhất; báo cáo nghiên cứu khả thi về hiệu quả sử dụng năng lượng; báo cáo nghiên cứu đầu tư để được phê duyệt tham gia dự án…
Về mặt tài chính thì căn cứ theo thời hạn nộp từ nay đến 2009 và tổng số vốn đầu tư thực hiện TKNL, doanh nghiệp sẽ được nhận mức vốn tương ứng với định mức mà Ban quản lý dự án đề ra.
- Cho đến nay, chương trình CEEP đã thực hiện một thời gian. Vậy bà có nhận xét gì về khó khăn cũng như thuận lợi của doanh nghiệp khi tham gia chương trình này?
- Về thuận lợi thì hiện có nhiều doanh nghiệp nhận thức rất rõ vai trò quan trọng của việc cắt giảm chi phí thông qua các hoạt động TKNL; sự hỗ trợ kỹ thuật và tư vấn tài chính của Trung tâm TKNL TPHCM. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay cho vấn đề TKNL là tìm kiếm nguồn tài chính đầu tư cho dự án. Hơn nữa, dù các dự án đầu tư TKNL có thời gian hoàn vốn đầu tư thấp, khả năng sinh lợi lớn nhưng hầu như chưa có ngân hàng nào có sản phẩm tín dụng riêng biệt cho hoạt động này.
- Để khắc phục những khó khăn cũng như phát huy thuận lợi trên, theo bà cần có những biện pháp gì?
- Trước mắt, Trung tâm TKNL TPHCM sẽ phối hợp với một số ngân hàng và công ty cung cấp thiết bị để đưa ra cho doanh nghiệp giải pháp trọn gói cả về kỹ thuật và tài chính, giúp doanh nghiệp an tâm đầu tư các giải pháp được tư vấn. Về lâu dài, trung tâm sẽ cùng phối hợp với một số ngân hàng thiết kế sản phẩm tài chính phù hợp cho hoạt động đầu tư TKNL với những đặc điểm riêng và ưu đãi nhất định.
CHÂU ANH