Mở rộng hợp tác, gỡ khó cho doanh nghiệp

Sáng 10-10, đồng chí Võ Thị Dung, Phó bí thư Thành ủy TPHCM, đã tham dự hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ (mở rộng) lần thứ 10 - khóa III Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn - TNHH MTV (Sawaco).
* Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn đề xuất tăng giá nước
Tại hội nghị, Phó bí thư Thường trực Sawaco Dương Hồng Đệ cho biết, trong 9 tháng đầu năm, Sawaco tiếp tục phát triển mạng lưới và cung cấp nước sạch cho các hộ dân mới phát sinh, hoàn thành chỉ tiêu 100% hộ dân trên địa bàn TPHCM được sử dụng nước sạch. Sawaco còn thực hiện nhiều biện pháp kéo giảm tỷ lệ nước thất thoát, thất thu xuống còn 26,34%...
Tuy nhiên, hiện nay, tổng công suất của các nhà máy là 2,4 triệu m3/ngày nhưng công suất sản xuất của các nhà máy nước chỉ đạt 1,8 triệu m3/ngày. Nguyên do kế hoạch giảm khai thác nước ngầm chưa được thực hiện theo quy hoạch, dẫn đến các nhà máy nước dư công suất khoảng 600.000m3/ngày.
Theo ông Lê Hữu Quang, Trưởng phòng Kinh doanh dịch vụ khách hàng Sawaco, việc đầu tư nguồn nước, mạng lưới cung cấp nước… đều phải thực hiện theo quy hoạch một cách đồng bộ, trong đó có việc kiểm soát khai thác nước ngầm. Tuy nhiên, TPHCM không kiểm soát được tình trạng này. Hiện nay, tổng số giếng ngầm trên địa bàn TPHCM đang được người dân, doanh nghiệp khai thác có lượng nước tương đương công suất của 2 nhà máy nước lớn. Do đó, dù Sawaco nỗ lực gắn đồng hồ cho người dân sử dụng nước sạch nhưng có hàng chục ngàn đồng hồ nước có chỉ số 0m3/tháng. Đặc biệt, quận 12 có gần 15.000 đồng hồ (chiếm 15% tổng đồng hồ của quận) có chỉ số nước là 0m3/tháng và gần 21.600 đồng hồ (chiếm 21%) sử dụng chưa đến 4m3/tháng. Tương tự, huyện Hóc Môn có 22% khách hàng có đồng hồ nhưng không sử dụng và 34% khách hàng sử dụng cho có.
Về tỷ lệ thất thoát nước, Phó tổng giám đốc Sawaco Bùi Thanh Giang cho biết, tỷ lệ thất thoát nước ở TPHCM vào năm 2010 là 42%. Sau khi ngành cấp nước TPHCM thực hiện nhiều giải pháp, đến năm 2013 tỷ lệ này còn khoảng 32%. Trong thời gian này, tỷ lệ thất thoát nước giảm nhanh, hiệu quả là TPHCM phê duyệt đơn giá nước mới. Điều này tạo nguồn lực cho Sawaco thực hiện các giải pháp giảm thất thoát nước. Hiện nay, tỷ lệ thất thoát nước trên địa bàn TPHCM còn 26,34%, vượt kế hoạch nhưng tỷ lệ thất thoát nước vẫn còn cao và không ổn định. Cá biệt có đơn vị có tỷ lệ thất thoát nước cao hơn năm trước. Ông Bùi Thanh Giang nhận xét, công tác giảm thất thoát nước chưa hiệu quả vì việc thi công các công trình ngầm gây ảnh hưởng đến các đường ống nước cấp 3, thậm chí đường ống nước cấp 1. Trong khi đó, khi phát hiện xì bể thì trong nhiều trường hợp không thể khắc phục được ngay mà phải chờ ban đêm mới thực hiện được. Việc chờ đợi là nhằm tránh gây ảnh hưởng đến giao thông, song lại làm gia tăng lượng nước thất thoát. Trước mục tiêu kéo giảm thất thoát nước xuống còn 10% vào năm 2020, ông Bùi Thanh Giang nhận xét, đây là nhiệm vụ rất khó khăn vì cần chi phí đầu tư lớn và chỉ có thể trông chờ vào việc tăng giá nước, tạo nguồn thu đầu tư vào việc giảm thất thoát nước. “Để đảm bảo an toàn cấp nước, nâng cao chất lượng dịch vụ và tỷ lệ thất thoát nước đến năm 2020 đạt dưới 10%, Sawaco đã hoàn chỉnh phương án giá nước lộ trình 2017 - 2020 gửi đến các cơ quan chức năng xem xét, thẩm định”, ông Dương Hồng Đệ bổ sung.
Phát biểu kết luận, chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Võ Thị Dung đánh giá cao nỗ lực của toàn Đảng bộ và Sawaco thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, phấn đấu đưa nước sạch đến 100% hộ dân, đảm bảo chất lượng. Về tình hình tăng trưởng của TPHCM trong năm 2017, đồng chí Võ Thị Dung lo ngại sẽ không đạt được như kế hoạch (đạt từ 8,4% - 8,7%). Vì vậy, trong bối cảnh này, Đảng bộ Sawaco cần nỗ lực hoàn thành, vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong năm 2017. Mỗi cơ quan, đơn vị có hoàn thành được các chỉ tiêu đề ra thì mới góp phần cho TPHCM đạt được chỉ tiêu tăng trưởng, đảm bảo mức thu ngân sách và an sinh xã hội. “Về giá nước, UBND TP đã chủ trương cho phép xác định giá nước sạch phải đủ bù đắp chi phí, nên việc đề xuất điều chỉnh giá nước là phù hợp”, đồng chí Võ Thị Dung nói và cho biết sẽ làm việc với UBND TP về đề xuất này. Đồng chí Võ Thị Dung cũng yêu cầu, trước hết Sawaco cần rà soát lại các giải pháp đặt ra, trong đó lưu ý đến các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong thời gian từ nay đến cuối năm và chủ động, quyết liệt hơn trong việc thực hiện đảm bảo người dân được cung cấp nước sạch ổn định và an toàn. 
* Chiều cùng ngày, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó chủ tịch UBND TPHCM đã làm việc với Đảng đoàn Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA).
Tại buổi làm việc, Bí thư Đảng đoàn kiêm Chủ tịch HUBA Chu Tiến Dũng nhận xét, thời gian qua HUBA luôn đồng hành, thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp và có các đóng góp ý kiến về chính sách đã tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp hoạt động, phát triển. Ông Chu Tiến Dũng cũng đánh giá thời gian qua TPHCM có nhiều cải cách hành chính nhưng một số nhóm ngành vẫn còn nhiêu khê, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Trong khi đó, các buổi đối thoại giữa chính quyền TPHCM với doanh nghiệp chưa thật sự hiệu quả vì chưa tập trung vào đặc thù của từng ngành nghề và thời gian đối thoại hạn chế. Từ đó, Đảng đoàn HUBA đề nghị được xây dựng và triển khai bộ tiêu chí đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với các sở ngành, quận huyện. Kết quả sẽ được công khai thường xuyên, làm cơ sở cho lãnh đạo TPHCM chỉ đạo việc cải cách hành chính cụ thể và hiệu quả hơn…
Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến nhận xét, thời gian qua HUBA có nhiều cố gắng với chương trình đa dạng và sự phát triển của hiệp hội rất tốt. Đồng chí nhấn mạnh và yêu cầu hoạt động của hiệp hội phải gắn chặt với nghị quyết của Thành ủy TPHCM về phát triển kinh tế, gắn với 7 chương trình đột phá của thành phố. Ví dụ, về kế hoạch xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh, đây không phải chỉ là một giải pháp quản lý của chính quyền mà còn là cơ hội, thị trường lớn nên HUBA cần chia sẻ, định hướng để các doanh nghiệp hội viên cùng tham gia. Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến đồng ý với việc HUBA tham gia vào việc khảo sát, đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp đối với chính quyền về cải cách hành chính; về việc xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho việc phát triển doanh nghiệp. Từ năm 2018, TPHCM giao cho HUBA chủ trì tổ chức tất cả các chương trình kết nối, đối thoại, lắng nghe giữa đảng bộ, chính quyền TPHCM với doanh nghiệp để đảm bảo các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp được giải quyết tốt. 
Về phía TPHCM, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến cam kết sẽ tạo mọi điều kiện cho HUBA hoạt động, như việc kết nối với các hiệp hội nước ngoài có nhiều kinh nghiệm hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, TPHCM cũng sẽ đẩy mạnh các chương trình ký kết, hợp tác nhằm hỗ trợ, giúp đỡ thúc đẩy hoạt động của doanh nghiệp, hiệp hội như đã làm với Hội Lương thực - Thực phẩm TPHCM, Hội Du lịch TPHCM.

Tin cùng chuyên mục