Mở rộng kết nối khởi nghiệp

Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) TPHCM, tại TP hiện đã cơ bản hoàn thành giai đoạn kiến tạo và nay bước sang giai đoạn đưa hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TPHCM hội nhập toàn cầu. Để tiếp tục nhiệm vụ này, sự liên kết là hết sức cần thiết, đặc biệt là với các đối tác quốc tế để tiến đến hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững và tạo những tác động tích cực cho xã hội. 
Chọn đối tác để học hỏi
Chương trình Chuyển giao công nghệ Việt - Hàn (B2B Matching) do Saigon Innovation Hub (SIHUB) phối hợp với Hiệp hội các doanh nghiệp Hàn Quốc tại hải ngoại (World-OKTA) và Trung tâm Công nghệ Liên hiệp Busan vừa tổ chức tại TPHCM là cơ hội để kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với 5 doanh nghiệp và 5 trường đại học Hàn Quốc trong hoạt động chuyển giao công nghệ, kết nối cung cầu.
Tại chương trình, đại diện phía Hàn Quốc đã giới thiệu về các công nghệ mới, tiên tiến trong nhiều lĩnh vực như: thiết bị phát hiện hỏa hoạn trên tàu thuyền, vệ tinh truyền thông, hệ thống mạng có dây và không dây, giải pháp CNTT và dịch vụ truyền thông cho ngành hàng hải và kiến trúc tàu thuyền,  tuốc nơ vít bán tự động với nhiều phiên bản, hệ thống vạn vật kết nối (IoT) quản lý thông tin xe thông minh, thiết bị hỗ trợ điều khiển cho các loại van, robot chi phí thấp nghiên cứu hệ sinh thái biển...
Mở rộng kết nối khởi nghiệp ảnh 1 Các đối tác Hàn Quốc tìm hiểu, giới thiệu về startup tại Chương trình chuyển giao công nghệ Việt - Hàn
Một phần quan trọng tại chương trình chính là hoạt động gặp mặt trao đổi trực tiếp để các doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, từ đó thấy thêm những giải pháp, dịch vụ mà các doanh nghiệp có thể chia sẻ với thị trường Việt Nam. 
Được biết, chương trình nói trên cùng với  chuỗi hoạt động hợp tác khác giữa SIHUB và các đối tác Hàn Quốc nằm trong chiến dịch vươn ra toàn cầu SIHUB 2020.
Trước đó, SIHUB đã ký kết hợp tác với nhiều đối tác lớn đến từ quốc gia này như Shinhan Future’s Lab (trong chương trình trao đổi startup), World-OKTA (trong các nội dung chuyển giao công nghệ và quy trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu, xây dựng bộ công cụ tìm kiếm, kết nối cung cầu công nghệ tại thị trường Việt Nam), các trường đại học và doanh nghiệp Hàn Quốc trong các hoạt động giáo dục về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo...
Điều này tiếp tục cho thấy hướng hợp tác đầy quyết tâm với Hàn Quốc của các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp của TPHCM. 
Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành SIHUB, chia sẻ: “Hàn Quốc là một trong những quốc gia dẫn đầu về ứng dụng công nghệ kỹ thuật vào đổi mới sáng tạo (ĐMST). Mặc dù SIHUB đã liên kết với trên 100 quốc gia trong hoạt động khởi nghiệp và ĐMST nhưng vẫn chọn Hàn Quốc như là đối tác quan trọng để học hỏi và kết nối”.
Sẵn sàng hội nhập toàn cầu 
Mới đây, cũng tại SIHUB, Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), Quỹ Citi Foundation và Bộ KH-CN đã phối hợp tổ chức Hội thảo Youth Co:Lab Việt Nam 2018 với chủ đề Phân tích hiện trạng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tác động xã hội nhằm hỗ trợ kinh doanh và khởi nghiệp xã hội tại Việt Nam.
Chương trình trở thành nơi tập hợp những tên tuổi lớn trong hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, là nơi mọi người có thể cùng nhau chia sẻ về những khó khăn mà cộng đồng đang gặp phải, để tất cả tất cả mọi người, bao gồm UNDP Việt Nam, Chính phủ, khu vực công, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức xã hội có thể có những giải pháp tối ưu, cùng nhau đạt đến các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) của Liên hiệp quốc một cách nhanh nhất. 
Bà Akiko Fujii, Phó Giám đốc Quốc gia UNDP Việt Nam, đánh giá: “TPHCM có những bước tiến lớn trong việc thúc đẩy các công ty khởi nghiệp, không chỉ ở Việt Nam, mà ở Đông Nam Á và TP chắc chắn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thế hệ mới này, thế hệ ĐMST. Các doanh nhân khởi nghiệp đầy tham vọng tại Việt Nam được hỗ trợ trong việc tìm ra giải pháp cho những vấn đề không chỉ tại TPHCM mà trên khắpViệt Nam và thế giới”.
Cũng theo bà Akiko Fujii, UNDP sẽ tiếp nhận các ý tưởng khởi nghiệp ĐMST vì sự phát triển bền vững và những đội được chọn sẽ được tham gia chương trình ươm mầm tăng tốc khởi nghiệp, cũng như có cơ hội trình bày ý tưởng kinh doanh của mình với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. 
Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, chia sẻ sau gần 2 năm triển khai với một số hiệu quả về mặt định tính, Sở KH-CN TPHCM đã cơ bản hoàn thành giai đoạn kiến tạo và bước sang giai đoạn mới: đưa hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TPHCM hội nhập toàn cầu. 
Cần thấy rằng, Việt Nam có số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp lớn thứ ba trong khu vực Đông Nam Á, song hệ sinh thái khởi nghiệp có tác động tích cực đến xã hội lại khá tụt hậu so với các nước trong khu vực như Thái Lan và Malaysia.
Cho nên với hoạt động kết nối khởi nghiệp toàn diện hơn sẽ trả lời được câu hỏi làm thế nào để có thể phát huy tiềm năng, sự sáng tạo và cam kết của thế hệ doanh nhân Việt trẻ trong việc tìm ra giải pháp cho những thách thức lớn nhất mà đất nước đang phải đối mặt… Qua đó cũng kỳ vọng sự kết nối này sẽ tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp hiệu quả cũng như những startup danh giá trong nay mai.
Sáng kiến Youth Co: Lab nhằm tìm kiếm thế hệ khởi nghiệp xã hội mới tại Việt Nam, tiếp nối thành công của cuộc thi Thử thách SDG 2017, trong đó 4 doanh nghiệp khởi nghiệp đoạt giải nhận được vốn đầu tư cổ phần phi lợi nhuận trị giá hơn 85.000USD và chương trình ươm mầm trong 1 năm.

Tin cùng chuyên mục