Mở rộng thẩm quyền điều tra cho lực lượng kiểm ngư

Phân vân thẩm quyền công an xã

Các dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), Luật Tạm giam, tạm giữ đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến tại phiên họp ngày 17-8. Cùng ngày, UBTVQH đã cho ý kiến về việc Việt Nam gia nhập Công ước Viên 1980.

Phân vân thẩm quyền công an xã

Dự thảo Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự không quy định công an xã, phường, thị trấn, đồn công an là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra mà quy định trách nhiệm, thẩm quyền của công an xã riêng; trách nhiệm, thẩm quyền của công an phường, thị trấn, đồn công an riêng. Tuy nhiên, tại phiên họp, nhiều ý kiến trong UBTVQH vẫn tỏ ra băn khoăn về quy định này. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nói: “Pháp lệnh công an xã hiện nay có nhiều quy định không còn phù hợp với Hiến pháp 2013 và nhiều luật khác. Chẳng hạn như giao cho công an xã thẩm quyền khám xét, tiến hành điều tra, lấy lời khai, giữ người; trong khi theo Hiến pháp 2013 thì những hành vi này phải điều chỉnh bằng luật. Chính vì thế nên thẩm quyền, trách nhiệm của lực lượng công an xã cần được rà soát kỹ. Mặt khác, công an xã không phải là cơ quan điều tra nên việc quy định về lực lượng này vào luật là không phù hợp”. Tham dự phiên họp, Phó Trưởng ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương Nguyễn Doãn Khánh đồng tình với quan điểm trên và cho rằng, những cơ quan không phải cơ quan điều tra hình sự thì không đưa vào luật. Công an xã, thậm chí cả công an phường cũng chỉ là cơ quan hỗ trợ điều tra tiền tố tụng mà thôi.

Trong khi đó, việc mở rộng thẩm quyền điều tra cho lực lượng kiểm ngư được đa số thành viên UBTVQH tán thành. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, thực tiễn trên biển đặt ra rất nhiều vấn đề lớn cần giải quyết, không chỉ là vấn đề giao thương mà còn là vi phạm môi trường, quan hệ quốc tế… cần phải xử lý kịp thời. Do đó cũng cần mở rộng thêm một số thẩm quyền điều tra cho cơ quan kiểm ngư. Căn bản tán thành quan điểm của Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc thêm: “Đã giao thẩm quyền thì phải tính đến đặc thù chứ đừng quá hạn chế trong bao nhiêu ngày phải chuyển giao; bởi phạm vi hoạt động trên biển mênh mông, tìm được công an hay cơ quan điều tra thì rất phức tạp. Luật cũng phải làm rõ đi liền với quyền là trách nhiệm, nếu làm sai hay vi phạm thì phải bị xử lý”.

Tranh tụng là nguyên tắc cốt lõi

Quyền yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tiếp tục là vấn đề có nhiều ý kiến tranh luận khi UBTVQH cho ý kiến vào dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi). Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, đây là vấn đề mới, cần nghiên cứu hết sức thận trọng để bảo đảm phù hợp với thực tiễn Việt Nam. “Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị trước mắt chưa nên quy định nội dung tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng trong dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi)” - ông Nguyễn Văn Hiện phát biểu. Ủng hộ quan điểm này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Trần Đình Nhã nói: “Tòa án bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân, nhưng không có điều luật quy định thì dựa vào đâu công nhận quyền lợi hợp pháp?”.

Chia sẻ một phần quan điểm của Ủy ban Tư pháp, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, nhận xét: “Đúng là cơ quan soạn thảo chưa đưa ra được căn cứ rõ ràng để xem xét, chấp nhận quy định tòa không được quyền từ chối xử lý vụ việc chưa có điều luật quy định. Nhưng đó là một quan điểm rất nhân văn, nếu không giữ được thì rất đáng tiếc. Đề nghị Ban soạn thảo tập hợp thêm thông tin, củng cố lập luận để thuyết phục được Quốc hội”. Tuy nhiên, không đồng tình với quan điểm của Ủy ban Tư pháp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng: “Chọn phương án như Ủy ban Tư pháp thực sự là một bước lùi. Thực tế hoạt động tố tụng hiện hành cũng đã áp dụng xét xử theo tập quán. Mặt khác, không phải mọi việc đều có thể đưa ra tòa để giải quyết mà phải là vụ án dân sự, việc dân sự”.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước phân tích: “Thực tiễn luôn nảy sinh những vấn đề rất mới, rất đa dạng; chưa ổn định để luật hóa. Tôi đã gặp trường hợp đồng bào dân tộc sử dụng đất chẳng có tường rào ranh giới gì cả, giờ làm sổ đỏ thì phát sinh tranh chấp. Trường hợp này phải căn cứ vào tập quán, suy nghĩ của đồng bào để giải quyết”. 

Đây cũng là quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: “Tòa đã được Hiến pháp trao quyền bảo vệ công lý. Công lý là nếu đã có luật thì theo luật, chưa có luật thì theo lẽ phải. Tòa phải căn cứ vào lẽ phải mà thuyết phục người dân; khi họ đã không thỏa thuận được với nhau mà không dựa được vào tòa thì dựa vào đâu nữa?”. Phó Chánh án TAND tối cao Tống Anh Hào cho biết: “Nói chưa có điều luật, nhưng không có nghĩa là pháp luật không có quy định gì. Tòa án vẫn có thể căn cứ vào quy định cơ bản của Hiến pháp, vào lẽ công bằng, luật tục… để xử lý.

Thảo luận về dự thảo Luật Tạm giam, tạm giữ, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện phân tích: “Trong nhiều trại tạm giam, phòng thăm gặp đã được thiết kế vách cách ly, thân nhân, người bị tạm giữ, tạm giam chỉ có thể trao đổi qua điện thoại, được giám sát chặt chẽ nên khó xảy ra thông cung. Vì vậy, việc bỏ quy định việc gặp thân nhân của người bị tạm giữ, tạm giam phải được sự cho phép của cơ quan đang thụ lý vụ án và quy định cụ thể ngay trong luật số lần gặp thân nhân của người bị tạm giữ, tạm giam là phù hợp, tránh sự tùy tiện, bảo đảm tốt hơn quyền con người của người bị tạm giữ, tạm giam”. 

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục