Trước khi bước vào trả lời chất vấn trực tiếp trong khuôn khổ phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 18-3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa cho biết, 3 năm qua, Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ thực hiện chính sách tài chính hiệu quả, trong đó thu ngân sách mặc dù có nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt được mức cao, nợ công giảm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đạt được mục tiêu đề ra, cân đối tài chính được giữ vững, kiểm soát hiệu quả xuất nhập khẩu để phát hiện kịp thời hàng cấm vào nội địa...
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, môi trường pháp luật chưa hoàn thiện, quy trình quản lý còn một số kẽ hở, mong đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thẳng thắn đóng góp ý kiến.
Là ĐB đầu tiên nêu chất vấn, ĐB Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) nhận định, hiện nay, có tình trạng người mua bảo hiểm được chào mời với chiết khấu cao, người tư vấn bảo hiểm chèo kéo khách hàng quá mức…
“Điều này đã gây ảnh hưởng đến chất lượng bảo hiểm. Bên cạnh đó, thời gian hợp đồng bảo hiểm thường rất dài, trong khi đó người tư vấn thường chỉ tư vấn những mặt tốt của bảo hiểm mà chưa nói rõ những quyền hạn và trách nhiệm khi tham gia, dẫn đến tình trạng người mua bảo hiểm không nắm chắc nội dung hợp đồng và thường bị thiệt thòi. Bộ trưởng có những giải pháp gì để giải quyết?”, ông Trần Đình Gia đặt câu hỏi.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, các hành vi chèo kéo trong bán bảo hiểm là hành vi của các nhân viên bảo hiểm, công ty bảo hiểm. Pháp luật nghiêm cấm các hành vi này. Bộ Tài chính đã thực hiện kiểm tra, thanh tra khi có khiếu nại, xử phạt nghiêm minh, chuyển cho cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu sai phạm để cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Về hợp đồng kéo dài, trước đây, có những hợp đồng kéo dài hàng chục trang, gây sơ hở trong nắm bắt thông tin, gây thiệt hại cho người tham gia bảo hiểm. Tuy nhiên, khi sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, cơ quan soạn thảo đã dành một chương cho hợp đồng bảo hiểm để đảm bảo hợp đồng bảo hiểm gọn hơn, rõ hơn, chặt chẽ hơn.
“Hiện cũng đã có quy định, trong vòng 21 ngày, nếu phát hiện hợp đồng bảo hiểm có sai sót thì người tham gia bảo hiểm có quyền đòi nhận lại tiền, công ty bảo hiểm phải trả lại cho người tham gia bảo hiểm”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ.
Trả lời ĐB Lã Thanh Tân (Hải Phòng) về việc giải quyết bồi thường thiệt hại tài sản cho bên thứ 3, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, vấn đề bồi thường thiệt hại đã được quy định rõ trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2023.
Người đứng đầu Bộ Tài chính nêu rõ, đối với việc thực hiện bồi thường thiệt hại chậm hoặc cố tình co kéo, gây ra tranh chấp, hiện có 2 kênh giải quyết. Đó là Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm có trách nhiệm giải quyết trong phạm vi phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; Nếu có dấu hiệu lừa đảo hình sự thì bộ phận điều tra hình sự sẽ xử lý.
Về phía Bộ Tài chính, bộ đã chỉ đạo các công ty bảo hiểm thực hiện vấn đề này một cách nghiêm túc. Công ty bảo hiểm nào dây dưa, không trả bảo hiểm thì Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm của Bộ Tài chính sẽ tổ chức thanh tra kiểm tra và giải quyết khiếu nại theo quy định.
ĐB Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) nhận định, thời gian qua, thị trường bảo hiểm nhân thọ, đặc biệt là các công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài bán các sản phẩm thông qua các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng có nhiều sai phạm. ĐB đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết kết quả xử lý sai phạm và giải pháp của Bộ để ngăn chặn các sai phạm này.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, hiện có 19 công ty bảo hiểm, trong đó có 2 công ty bảo hiểm trong nước là Bảo Minh và Bảo Việt; còn lại 17 công ty bảo hiểm liên doanh với nước ngoài, của nước ngoài. Hoạt động tư vấn chủ yếu là các đại lý, nhân viên trong nước thực hiện.
Theo Bộ trưởng, việc liên kết bán bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng có thể là hành vi của nhân viên ngân hàng chứ "chưa chắc đã là do các chủ tịch, giám đốc các ngân hàng thương mại chỉ đạo". Bộ Tài chính đã xây dựng, tổ chức phối hợp thanh tra, kiểm tra để đảm bảo hoạt động bảo hiểm được thực hiện đúng pháp luật.