Hơn 2 năm trước, ngày 10-2-2011, Báo SGGP có đăng bài viết về cựu chiến binh Lê Xuân Tưởng (Liên Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình), một dũng sĩ bắn rơi 33 máy bay trên dãy Trường Sơn. Một tuần sau đó, ông Lê Hữu Hoài, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các cơ quan ban ngành lập hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT cho ông. Các cơ quan có liên quan đã cùng vào cuộc. Thế nhưng, đến nay, phần thưởng xứng đáng này vẫn chưa đến tay ông.
Sau khi được hướng dẫn thủ tục, ông đã làm một việc mà mình không hề thích là kể lể lại công trạng của mình. Hàng chục đồng đội cùng chiến đấu với ông ở Trung đoàn 1, Sư đoàn 324, Quân đoàn II, hiện sinh sống ở nhiều địa phương đều chứng nhận những gì Lê Xuân Tưởng khai trong hồ sơ là đúng sự thật.
Cựu chiến binh Trần Xuân Trà, hiện công tác tại Sở Nội vụ tỉnh Hưng Yên có đơn gửi các cơ quan chức năng Quân khu IV nêu: “Chúng tôi thấy rằng ông Lê Xuân Tưởng trong chiến đấu rất dũng cảm và đã bắn rơi nhiều máy bay địch đúng như bài viết đã đăng trên Báo SGGP. Chúng tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đề nghị xét phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho ông Lê Xuân Tưởng để ông kịp được nhận vinh dự”.
Thủ tục lại yêu cầu cần có chữ ký hoặc sự làm chứng của lãnh đạo cấp trên cao hơn ngoài những người từng chiến đấu với ông trong khẩu đội. Cựu chiến binh Lê Xuân Tưởng lại một lần nữa tìm kiếm người lãnh đạo cấp trung đoàn là Thiếu tướng Lê Hữu Thỏa, Trung đoàn phó Trung đoàn 1, Sư đoàn 324. Hiện ông Thỏa ở TP Đông Hà (Quảng Trị), đã gửi lời xác nhận với sự chứng nhận của UBND phường Đông Lương nơi ông cư trú: “Trong quá trình chiến đấu, đồng chí Tưởng trực tiếp làm xạ thủ số 1 súng 12 ly 7 của đại đội 17, Trung đoàn 1, Sư đoàn 324, cùng đồng đội bắn rơi nhiều máy bay Mỹ và diễn biến các trận đánh đúng như báo cáo thành tích của đồng chí. Do điều kiện chiến đấu thay đổi chỉ huy, hơn nữa cấp trên cho đi học nên chưa làm được, nay xét thấy hồ sơ, giấy tờ đầy đủ, tôi đề nghị các cấp có thẩm quyền xét phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước cho đồng chí kẻo thiệt thòi cho bản thân, quê hương, đơn vị”.
Thời gian trôi đi, mới đây nghe tin ông bệnh nặng, chúng tôi đến thăm ông tại Bệnh viện Trung ương Huế. Nằm thoi thóp trên giường bệnh nhưng khi thấy chúng tôi đến, ông vẫn vui vẻ chuyện trò. Ông không đề cập đến chuyện thủ tục xét tặng danh hiệu nhiêu khê, chậm chạp nhưng sao tôi cứ cảm thấy như trong ánh mắt ông có một câu hỏi. Chúng tôi thật sự lo lắng bởi theo bác sĩ bệnh của ông đã vào giai đoạn khó…
MINH PHONG