Giảm sút sức khỏe
Theo các chuyên gia môi trường, tiếng ồn khiến con người cảm thấy khó chịu, ức chế tâm lý gây ra nóng nảy, thậm chí dẫn đến ẩu đả. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các vụ ẩu đả liên quan đến tiếng ồn xảy ra ngày càng nhiều, như tiếng ồn do nẹt pô xe máy, tiếng còi xe, tiếng mở nhạc ồn ào ở khu dân cư và cửa hàng trên các tuyến đường. Tiếng ồn trên 75 decibels (dBA) tác động đến hệ thần kinh, nếu trên 100 dBA như tiếng ồn khi khoan đá, động cơ máy bay sẽ làm ảnh hưởng màng nhĩ và tác động mạnh đến hệ thần kinh. Ngoài ra, nhiều tiếng ồn cùng lúc sẽ có sự cộng hưởng, tạo ra độ rung gây nứt vỡ kính và các công trình xây dựng.
Theo bác sĩ Lý Phạm Hoàng Xuân, Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, chỉ cần quá ngưỡng cho phép, tiếng ồn đã có tác động tiêu cực tới sức khỏe con người. Tiếp xúc với tiếng ồn lâu ngày sẽ làm con người mất sự nhạy cảm với âm thanh, dần dần gây bệnh điếc không thể cải thiện được. Người dân sống trong khu vực có tiếng ồn quá lớn thường hay mất ngủ, dễ bị căng thẳng, mệt mỏi gây ra bệnh tật. Khi bị mất ngủ, stress kéo dài, cơ thể sẽ bị suy yếu, nguy cơ tăng huyết áp, loét bao tử, rối loạn tâm thần tăng cao. Tiếp xúc với tiếng ồn nhiều và thường xuyên sẽ gây mệt mỏi, suy nhược toàn thân, ù tai, mất ngủ và làm trầm trọng thêm các loại bệnh, nhất là tim mạch, huyết áp. Nếu một người ở trong môi trường có tiếng ồn trên 90 dBA trong thời gian từ 3 tháng trở lên thì khả năng nghe kém và không có khả năng hồi phục.
Kết quả đo tiếng ồn tại các điểm quan trắc đặt trên 30 tuyến đường của TPHCM nhằm phục vụ công tác nghiên cứu cho thấy, ở những tuyến đường đông xe, hầu hết số lần đo vượt tiêu chuẩn ở mức cao. Kết quả quan trắc tiếng ồn ở các lần đo tại 6 trạm quan trắc gồm ngã tư An Sương, ngã sáu Gò Vấp, vòng xoay Hàng Xanh, ngã tư Đinh Tiên Hoàng - Điện Biên Phủ, vòng xoay Phú Lâm và ngã tư Huỳnh Tấn Phát - Nguyễn Văn Linh nhiều lần đạt trên 85 dBA, vượt ngưỡng tiếng ồn cao nhất cho phép là 75 dBA.
Chia sẻ về nguyên nhân gây ô nhiễm tiếng ồn, GS-TSKH Lê Huy Bá cho biết: “Ô nhiễm tiếng ồn tại TPHCM đến từ nhiều nguyên nhân; trong đó có âm thanh từ động cơ của xe máy và còi xe tải trong quá trình tham gia giao thông, từ các công trình xây dựng, sửa chữa nhà cửa, từ dàn loa ở các cửa hàng và loa nhạc của hộ gia đình trong khu dân cư. Đặc biệt, trong giao thông đô thị, tiếng ồn từ loại xe cũ, mô tô phân khối lớn cùng với tiếng ồn cộng hưởng của phương tiện giao thông ở khu vực ùn tắc, kẹt xe xảy ra thường xuyên sẽ có tác động nghiêm trọng đến đời sống người dân”.
Kiểm soát chất lượng xe cơ giới
Theo GS-TSKH Lê Huy Bá, nhằm giảm ô nhiễm tiếng ồn, các công trình khi xây dựng, sửa chữa phải che chắn cẩn thận vừa đảm bảo an toàn, tránh bụi vừa ngăn tiếng ồn phát ra xung quanh; đồng thời, tránh thi công vào buổi trưa và buổi tối vì ảnh hưởng đến thời gian nghỉ ngơi của mọi người xung quanh. Người dân cũng có thể chủ động tránh xa khu vực phát ra tiếng ồn, nếu ở trong khu vực có tiếng ồn thì dùng tay hoặc bông bịt chặt tai lại, trồng cây xanh trong khuôn viên nhà và sử dụng các vật liệu cách âm.
Đối với các loại xe, cần kiểm tra định kỳ chất lượng máy móc, những xe phát ra tiếng ồn cao cần có biện pháp giải quyết như lắp hệ thống giảm âm. Ngoài ra, cần có các phương án phân luồng giao thông hợp lý để điều tiết lượng xe, hạn chế tốc độ để giảm tiếng ồn; thực hiện nghiêm việc cấm sử dụng còi xe trong nội thành, nhất là ở khu vực trường học, bệnh viện, khu dân cư. Tăng cường trồng cây nhiều tầng với các loại cây khác nhau ở vỉa hè bên đường, khu dân cư, phủ thêm mảng xanh ở khu công cộng vì cây xanh có tác dụng chắn tiếng ồn.
Trong khi đó, theo các chuyên gia môi trường, nhằm giảm tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, có thể căn cứ vào các quy định pháp luật để xử lý hành vi vi phạm. Cụ thể, việc xử phạt hành vi gây tiếng ồn vượt mức cho phép trong khu dân cư đã được quy định tại Thông tư 39/2010/TT-BTNMT, có hiệu lực từ tháng 2-2011. Theo đó, việc vi phạm các quy định về tiếng ồn sẽ bị xử hành chính với mức tiền phạt từ 1 - 160 triệu đồng, tùy đối tượng và mức độ vi phạm. Đồng thời, nếu người dân sống xung quanh các cơ sở sản xuất, hộ gia đình có hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn thì người dân có thể khiếu nại đến UBND cấp xã, phường để giải quyết.