Mong ngân hàng hạ lãi suất, có chính sách chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp

Theo ĐB Dương Văn Phước (Quảng Nam), ngân hàng cần tiếp tục hạ lãi suất và nới lỏng các điều kiện cho vay vốn; đồng thời có chính sách chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp…
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: QUANG PHÚC
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: QUANG PHÚC

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, chiều 31-10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Là đại biểu (ĐB) đầu tiên phát biểu tại hội trường, ĐB Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) bày tỏ băn khoăn khi năm 2023, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội ước chỉ đạt 3,77 - 4,76% (chỉ tiêu Quốc hội giao là 5% - 6%) và là năm thứ 3 liên tiếp không đạt kế hoạch.

ĐB Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn). Ảnh: QUANG PHÚC

Đáng lo ngại hơn, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đang có xu hướng giảm, trong khi kinh tế toàn cầu năm 2024 dự báo còn khó khăn hơn, toàn cầu hóa và thương mại sẽ tiếp tục giảm…

Lưu ý rằng nền kinh tế có độ mở quá cao, ĐB Phạm Trọng Nghĩa đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể về nhu cầu và cơ chế kiểm soát độ mở của nền kinh tế, từ đó, có giải pháp để xây dựng nền kinh tế tự chủ hơn, có khả năng thích ứng tốt hơn. Ông cũng kiến nghị về 3 nhóm giải pháp trong thời gian tới, bao gồm tăng cầu trong nước, phát triển thị trường nội địa; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và tăng cường liên kết vùng. “Đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội ban hành luật hoặc nghị quyết về phát triển vùng, tăng cường liên kết vùng làm cơ sở pháp lý cho việc thể chế hóa các quan điểm của Đảng vào cuộc sống”, ĐB nêu rõ.

Năng suất lao động bình quân chậm được cải thiện cũng là mối quan tâm của ĐB Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh). “Để đưa nền kinh tế phục hồi và phát triển bền vững, tăng năng suất lao động là con đường ngắn nhất”, ĐB Huỳnh Thanh Phương nhấn mạnh. Bên cạnh đó, ĐB đề nghị Chính phủ có giải pháp căn cơ để xây dựng văn hóa, hình ảnh con người Việt Nam trên quan điểm văn hóa phải đặt ngang hàng với kinh tế.

ĐB Dương Văn Phước (Quảng Nam). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Dương Văn Phước (Quảng Nam). Ảnh: QUANG PHÚC

Trong khi đó, ĐB Dương Văn Phước (Quảng Nam) nhìn nhận, mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ và đồng hành, tuy nhiên áp lực về thuế, biến động giá cả, khả năng tiếp cận vốn… vẫn đặt các doanh nghiệp trước nhiều thách thức. “Áp lực về thuế, biến động giá cả, khả năng tiếp cận vốn… đã tạo thành những thách thức lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, ĐB Dương Văn Phước nhấn mạnh.

ĐB dẫn chứng ở Quảng Nam có một doanh nghiệp sân golf, diện tích trên 60ha, doanh thu đóng mỗi năm là 100 tỷ đồng nhưng phải đóng thuế tới 45 tỷ đồng. Doanh nghiệp gặp khó khăn, kiến nghị nhiều lần vì cách tính thuế bất cập.

ĐB mong muốn Nhà nước tiếp tục quan tâm đến những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp, có những chính sách kịp thời, thiết thực để giải quyết tình trạng thiếu vốn nghiêm trọng phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Theo ĐB, ngân hàng cần tiếp tục hạ lãi suất và nới lỏng các điều kiện cho vay vốn; đồng thời có chính sách chia sẻ rủi ro với doanh nghiệp…

Bày tỏ sốt ruột với những dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả trong bối cảnh nền kinh tế phải đối diện với nhiều thách thức, ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) phát biểu: “Tại kỳ họp này, Chính phủ đã có báo cáo số 20 về tình hình kết quả xử lý tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện còn rất chậm, nhiều vấn đề tồn tại chưa được xử lý”. ĐB đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần khẩn trương, quyết liệt hơn nữa, có biện pháp xử lý đồng bộ, cụ thể; cả trước mắt và lâu dài đối với 12 dự án trì trệ.

ĐB Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên). Ảnh: QUANG PHÚC

Để đẩy mạnh tăng trưởng, ĐB Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) nhấn mạnh, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

“Đầu tư công cần bung ra mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy sản xuất kinh doanh để tăng tổng cầu của nền kinh tế”, ĐB Nguyễn Đại Thắng nhận định. Một giải pháp cụ thể là kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai cung ứng vật liệu xây dựng, ổn định giá vật liệu xây dựng cho các dự án giao thông đường bộ trọng điểm. Việc công bố giá vật liệu xây dựng cần phải kịp thời sát với giá thị trường ở thời điểm công bố, nhất là các dự án.

Tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện dự án bất động sản, giúp thị trường bất động sản giải phóng được nguồn lực từ các dự án đang “đóng băng”; có cơ chế chính sách để khuyến khích phát triển phân khúc nhà ở vừa túi tiền, thanh khoản tốt để giải quyết được nhu cầu chỗ ở thực ở các đô thị lớn… là đề nghị đáng lưu ý khác của ĐB Nguyễn Đại Thắng.

Tin cùng chuyên mục