Thư nước ngoài

Mong rằng “sẽ ổn cả thôi”

Giáng sinh là một ngày lễ lớn không chỉ đối với những người theo Thiên Chúa giáo mà còn đặc biệt quan trọng với hầu hết người dân ở các nước châu Âu, châu Mỹ và dần dần trở thành một phần không thể thiếu ở các nước châu Á.

May mắn có mặt trong thời điểm những tháng cuối năm tại nhiều nước châu Âu, tôi đã được “mục sở thị” những nét độc đáo trong cách người dân nơi đây chào đón Giáng sinh. Tuy ngày lễ Giáng sinh chỉ chính thức bắt đầu từ đêm 24-12 và 25-12, nhưng không khí háo hức đã bắt đầu từ rất sớm, khi những chiếc lá mùa thu cuối cùng lìa cành. Điều chung nhất có thể dễ dàng nhận thấy là việc bắt đầu trang trí đèn khắp các đường phố, đặc biệt ở khu vực trung tâm thành phố ở hầu hết các nước châu Âu.

Các cửa hàng lục tục trang trí những cây thông, những món quà xanh đỏ khắp nơi, chocolate, một trong những món ăn chính của ngày lễ cuối năm được bày bán khắp nơi, với giá cả hết sức phải chăng cùng cơ man nào là kiểu dáng và hương vị.

Tại một số thành phố lớn của châu Âu, những hội chợ mùa đông bắt đầu được tổ chức, tiêu biểu có thể kể đến chợ Giáng sinh tại Dussendof (Đức) – một trong những hội chợ cổ xưa nhất ở châu Âu; Strasbourg (Pháp) thì có Hội chợ Giáng sinh dành cho thiếu nhi, hay tại thủ đô Praha (Cộng hòa Czech) với lễ hội Giáng sinh hoành tráng bên cạnh cây thông khổng lồ rực rỡ ở ngay tại quảng trường chính của thành phố.

Tại Romania, người dân Thiên Chúa giáo ở đây đã hối hả chuẩn bị cho ngày lễ lớn nhất trong năm từ giữa tháng 11 đến hết ngày 24-12. Họ bắt đầu kiêng ăn thịt và bất kỳ loại protein nào từ động vật, ngoại trừ cá trong một số ngày lễ lớn khác. Trong những ngày này người dân Romania tránh làm điều xấu (chửi tục, làm điều ác…).

Đêm 5-12 hàng năm là “Saint Nicholas‘s Day”, một dịp lễ đặc biệt không chỉ ở đây mà còn ở một số nước châu Âu khác (như Hà Lan). Trong ngày này, thiếu nhi và cả người lớn (ở Romania) treo giày của mình ở cửa sổ, mong chờ nhận quà, kẹo bánh từ St. Nicholas. Ở Hà Lan, các trường học, nhiều hoạt động quyên góp đồ chơi tặng trẻ em nghèo được phát động, những bữa tiệc chào mừng đã được lên kế hoạch từ nhiều tuần trước.

Nhìn chung, Giáng sinh là dịp người dân châu Âu nói chung tận hưởng đúng nghĩa không khí sum vầy, tụ họp của gia đình. Chẳng thế mà từ 1-2 tháng trước ngày lễ, những con người bận rộn với công việc ở xa quê hương đều lên kế hoạch từ rất sớm để kịp có mặt trong ngày lễ đặc biệt này trong năm.

Thực ra, cũng còn nhiều người lo lắng Giáng sinh năm nay sẽ có biểu tình, đình công nhưng rồi ai cũng tự trấn an rằng “sẽ ổn cả thôi”. Từ Hà Lan, Đức cho tới Pháp, Italia, Romania, tuy khác biệt về ngôn ngữ, địa lý nhưng lại rất giống nhau ở những ánh mắt háo hức của trẻ nhỏ, vẻ khẩn trương tranh thủ và cả lo lắng của người lớn vào những ngày cuối năm này.

Hòa mình vào dòng người mải mê sắm sửa, dù chỉ để nhìn ngắm và tận hưởng cảm giác, mới thấy tuy bóng ma khủng hoảng kinh tế đang rất gần, nhưng dường như mọi người vẫn không vì thế mà quên đi truyền thống hay đánh mất hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn. 

PHƯƠNG VI

Tin cùng chuyên mục