Một buổi giới thiệu nghệ thuật truyền thống đầy ấn tượng

Một buổi giới thiệu nghệ thuật truyền thống đầy ấn tượng

Ta có không hiếm những buổi biển diễn nhạc cụ dân tộc thật hoành tráng trên những sân khấu lớn. Ta cũng đã không ít lần mang nhạc dân tộc ra nước ngoài để biểu diễn. Nhưng không chỉ những chương trình được tổ chức công phu như thế mới tạo được ấn tượng về nhạc dân tộc Việt Nam.

Mới đây trong một chương trình biểu diễn nhạc cụ dân tộc của vợ chồng nghệ sĩ Đinh Linh và những người bạn do Viện trao đổi Văn hóa với Pháp tổ chức, một chương trình có quy mô nhỏ, diễn ra trong một hội trường nhỏ, với lượng khách cũng không nhiều, nhưng những ai là người Việt có mặt tại đây hẳn đã tự hào khi nhìn vẻ thích thú của khách nước ngoài khi đến thưởng thức đêm nhạc này…

Một buổi giới thiệu nghệ thuật truyền thống đầy ấn tượng ảnh 1

NSƯT Tuyết Mai (bìa phải) hướng dẫn khán giả chơi đàn K’longPut. Ảnh: AN DUNG

Đặt cho chương trình cái tên là “Tiếng vọng quê hương”, các nghệ sĩ cũng đặt luôn cho mình nhiệm vụ phải giới thiệu được đến khán giả bức tranh về đất nước và con người Việt Nam thông qua âm nhạc. Và chỉ với gần 2 giờ đồng hồ, bằng những loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Việt: Sáo trúc, sáo của người H’Mong, Sáo kim, Đàn luýt 2 dây, Đàn luýt 4 dây, đàn bầu, đàn đá, Tam thập lục, K’longPut, T’rưng, Bộ gõ… các nghệ sĩ đã khiến  khán giả như được thăng hoa cùng tâm hồn Việt.

Cây đàn bầu chỉ có một dây nhưng âm thanh sao có sức lay động đến thế. Cây sáo trúc Việt Nam có khả năng biến hóa đưa nhạc dân tộc đến với lối chơi có tính đương đại. Cây sáo Hơ Mông vẽ lên đêm trăng ở vùng núi phía Bắc, một chàng trai đang dùng tiếng sáo để tỏ tình cùng một cô gái.

Cây sáo kim khiến cả hội trường như bước vào một khu rừng nguyên sinh buổi sớm với tiếng hót của hàng trăm loài chim. Ghép lại bằng những miếng đá xù xì, góc cạnh, bộ đàn đá có tới hàng triệu năm tuổi âm thanh trong như tiếng suối, mạnh mẽ như dòng thác. Đưa du khách vào tới vùng núi phía Nam, các nghệ sĩ không quên giới thiệu những nhạc cụ làm từ tre nứa của người dân Tây Nguyên. Những đàn T’rưng, đàn K’longPut… mỗi loại cho thấy một vẻ đẹp riêng của âm thanh núi rừng.    

Biểu diễn, đồng thời không quên thuyết minh cặn kẽ về từng loại nhạc cụ, nghệ sĩ Đinh Linh đã tạo nên sự thích thú đối với khán giả, nhất là những khán giả nước ngoài. Không ít khách nước ngoài đã chạy ùa lên sân khấu để giao lưu với nghệ sĩ khi chương trình vừa kết thúc. Những cái nắm tay tha thiết, những cuốn sổ chìa ra để xin địa chỉ của nghệ sĩ và không ít khán giả đã nhận xét, họ cảm nhận được đằng sau vẻ bình dị, mộc mạc của các loại nhạc cụ là những âm thanh tha thiết, lắng đọng, thấm sâu vào hồn người.

Bà Dominique Trebes (Pháp) nói: “Quả là ấn tượng. Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam và cũng là lần đầu tiên tôi được xem một chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống của dân tộc của Việt Nam, buổi biểu diễn đã đem đến cho tôi những rung động thực sự. Tôi khâm phục vì mỗi nghệ sĩ Việt Nam có thể chơi nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Âm thanh của nhạc cụ dân tộc Việt Nam cũng thật tuyệt vời, đó là những âm thanh trong trẻo và rất đỗi thuần khiết. Tôi không hiểu nội dung bài hát mà nghệ sĩ Tuyết Mai trình diễn, nhưng chất giọng của cô ấy thật mê hoặc. Tôi thích nhất cây đàn bầu, một cây đàn đặc biệt và cách chơi cũng đặc biệt”.

Cô gái Tralli Sophie, 25 tuổi thì nói: “Tôi có thể chơi được Piano, nhưng nếu được học thêm một loại nhạc cụ nào khác thì tôi sẽ chọn đàn bầu hoặc đàn T’rưng của Việt Nam. Những cây đàn thật là tao nhã và nó tạo ấn tượng đối với người nghe không chỉ bởi âm thanh mà còn bởi điệu bộ của người nghệ sĩ biểu diễn. Những cử chỉ nhẹ nhàng, mềm mại, khoan thai, có cảm giác như người biểu diễn thoát tục cùng với nhạc cụ của mình…

Những ngày ở Việt Nam, nếu còn có buổi biểu diễn nhạc cụ dân tộc nào nữa nhất định chúng tôi sẽ đến thưởng thức” - có lẽ đây còn hơn một lời ngợi khen.

Hà Giang


- “Tiếng vọng quê hương” - đêm nhạc dân tộc của gia đình NSƯT Đinh Linh

Tin cùng chuyên mục