Mỗi ngày tiếp đón hàng ngàn bệnh nhân, nên các bệnh viện (BV) tại TPHCM luôn trong tình trạng quá tải. Đây là cơ hội để “cò” BV hành nghề. Trước thực trạng đó, chương trình “Tiếp sức người bệnh” ra đời, nhằm hỗ trợ bệnh nhân trong quá trình khám và điều trị tại nhiều BV, đã được đông đảo bệnh nhân và các BV hưởng ứng.
Những việc làm thiết thực
Lần trước từ Bình Thuận vào BV Từ Dũ khám bệnh, chị Hồ Thị Thanh Hiền cứ vòng đi vòng lại để tìm phòng khám theo chỉ định của bác sĩ. BV đông, bụng to, chân lại bị tật nên việc đi lại trong BV khiến chị mệt phờ. Lần này, chị Hiền được các bạn trẻ trong đội “Tiếp sức người bệnh” đưa tới từng phòng khám, nên chỉ hơn 1 giờ chị đã khám xong. Chị Hiền tâm sự: “Lúc đầu tôi ngại làm phiền nên không dám nhờ, nhưng các em tình nguyện viên chủ động đề nghị hỗ trợ tôi đi tới tận các phòng khám. Mọi thủ tục được các em lo hết nên tôi khám xong sớm và còn sức để đi xe đò về quê. Tôi rất cảm kích trước sự nhiệt tình của các em”.
Từ đầu tháng 3, mỗi sáng thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, tại các sảnh của BV Từ Dũ, các bạn tình nguyện viên “Tiếp sức người bệnh” trong màu áo xanh tất bật hướng dẫn hồ sơ, thủ tục cho người bệnh, không còn cảnh người bệnh ngơ ngác tự tìm phòng khám hoặc phải xếp hàng dài để chờ hướng dẫn như trước. Quệt vội mồ hôi trên trán, liên tục hướng dẫn phòng khám cho người bệnh, em Võ Quỳnh Châu (sinh viên năm 2, Trường Đại học Y Dược TPHCM) chia sẻ: “Qua bạn bè em biết chương trình này nên đăng ký tham gia. Một phần để hỗ trợ người bệnh đi thăm khám thuận lợi, một phần trau dồi kinh nghiệm và để hiểu tâm lý người bệnh nhằm phục vụ tốt hơn cho công việc sau này”. Tại khu vực gần đó, ngoài việc hướng dẫn người nhà bệnh nhân tới thăm bệnh tại khu A BV Từ Dũ, Trương Minh Hải (sinh viên năm 3, Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM) còn không ngừng quan sát bao quát cả xung quanh. Khi được hỏi, Hải chia sẻ: “Nghe nhiều thông tin về các vụ bắt cóc trẻ sơ sinh nên những lúc rảnh, em quan sát xem có ai có biểu hiện lạ không thì báo ngay cho bảo vệ. Mọi người cùng quan sát thì kẻ xấu cũng không dám manh động, giúp các phụ sản yên tâm hơn”.
Tình nguyện viên hướng dẫn người bệnh tại BV Từ Dũ
Có mặt tại BV Chợ Rẫy, chúng tôi thấy các bạn tình nguyện viên hối hả dìu người bệnh này vào ghế ngồi rồi đem giấy tờ đi đăng ký khám, xong lại quay ra đẩy xe cho bệnh nhân khác tới tận các phòng khám, phòng điều trị. Dù đã hơn 11 giờ nhưng mọi người đều miệt mài với nhiệm vụ của mình. Thấy nhiều người bệnh không có người nhà đi cùng, các bạn còn choàng việc cho nhau để cắt cử người đi mua cơm trưa giúp người bệnh. Phạm Khánh Vân (sinh viên năm 1, Trường Đại học Bách khoa TPHCM) tâm sự: “Trước đây em cũng có người thân thường xuyên phải đi khám và điều trị tại bệnh viện, nên hiểu nỗi vất vả của người bệnh. Vì vậy khi vào TPHCM học đại học, em đã tìm hiểu về hoạt động “Tiếp sức người bệnh” và đăng ký tham gia ngay. Em nghĩ mình giúp gì được cho họ trong lúc đau bệnh thì giúp, em không có tiền, chỉ có sức, có tấm lòng dành cho người bệnh, họ vui em cũng vui”.
Cần nhân rộng chương trình
Là người chứng kiến và cảm nhận rõ hiệu quả từ chương trình “Tiếp sức người bệnh”, chị Bùi Ngọc Thu, nhân viên trực bàn hướng dẫn tại khu M BV Từ Dũ cho biết: “Có các em tình nguyện viên đỡ lắm! Trước đây, chúng tôi hướng dẫn người bệnh không xuể, nhân viên cũng mệt mà người bệnh cũng không hài lòng. Nay, mỗi khu đều có các em tình nguyện viên tới hỗ trợ hướng dẫn về thủ tục, giấy tờ và nơi khám nên tại sảnh tiếp nhận bệnh khá thông thoáng, mọi việc đều thuận lợi, tiết kiệm thời gian cho người bệnh. Hy vọng mô hình này sẽ được nhân rộng”.
“Tiếp sức người bệnh” tiền thân là chương trình “Thanh niên tình nguyện hỗ trợ bệnh nhân” do Trung tâm Công tác xã hội Thanh niên TPHCM (thuộc Thành đoàn TPHCM) khởi xướng từ tháng 12-2013, tổ chức lần đầu tại BV Chợ Rẫy, là một chương trình đầy tính nhân văn. Từ hiệu quả của chương trình, năm 2015, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam mở rộng hoạt động, lấy tên là “Tiếp sức người bệnh” và phát động trên cả nước. Chỉ trong năm 2015, đã có 30 BV trên cả nước triển khai chương trình này. Riêng tại TPHCM, chương trình “Tiếp sức người bệnh” đã được triển khai tại các BV Chợ Rẫy, Nhi đồng 1, Truyền máu Huyết học, Từ Dũ, Ung bướu, Nhân dân Gia Định, Quận 2, Gò Vấp. Theo anh Nguyễn Nhật Phúc, cán bộ Trung tâm Công tác xã hội Thanh niên TPHCM, mỗi tình nguyện viên sẽ có 1 buổi/tuần hỗ trợ người bệnh tại BV theo sự chỉ định của trung tâm. Từ ý nghĩa của chương trình, hiện nay nhiều tình nguyện viên đã chủ động sắp xếp thời gian để đăng ký tham gia thêm 2 - 3 buổi/tuần.
Anh Phúc cho biết, hiện chương trình “Tiếp sức người bệnh” thu hút rất đông tình nguyện viên là các bạn sinh viên, cán bộ trẻ tham gia. Tính trong năm 2016, Trung tâm tiếp nhận 10.000 lượt tình nguyện viên, hỗ trợ cho 461.000 lượt người bệnh. Tùy theo nhu cầu và số lượng bệnh nhân tại các BV, trung tâm sẽ bố trí từ 3 - 15 tình nguyện viên. Chương trình đã nhận được sự hưởng ứng của lãnh đạo, cán bộ, y bác sĩ BV và người dân. Đây chính là nguồn động viên lớn để các tình nguyện viên và trung tâm nỗ lực hơn nữa trong công tác tình nguyện xã hội.
THU HƯỜNG