Gần 2 năm qua, tỉnh Bình Phước đã nghiêm chỉnh thực hiện chủ trương của Chính phủ cấm khai thác rừng tự nhiên nhằm tránh hiện tượng các địa phương lợi dụng chuyển đổi thành rừng nghèo để hủy hoại tài nguyên rừng. Thế nhưng, điều trớ trêu là UBND tỉnh này lại cấm luôn cả việc vận chuyển gỗ đã khai thác trước đó ra khỏi rừng, làm tài sản công đang ngày càng xuống cấp còn doanh nghiệp thì lâm vào nợ nần do đã lỡ đầu tư khai thác!
Đổ tiền tỷ vào… rừng
Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Bình Phước, ngày 5-1-2015, Sở NN - PTNT tỉnh ban hành quyết định số 05/QĐ-SNN-LN về việc phê duyệt hồ sơ thiết kế và cấp phép khai thác tận dụng lâm sản tại khoảnh 5,6 tiểu khu 389, Nông lâm trường Tân Lập, giao cho Công ty TNHH MTV Cao su Bình Phước quản lý (Công ty Bình Phước). Công ty này có trách nhiệm tổ chức khai thác, tận dụng lâm sản trên diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng sang xây dựng kho vũ khí đạn, trường bắn và thao trường huấn luyện tổng hợp lực lượng vũ trang tỉnh. Khu vực dự án an ninh - quốc phòng có diện tích là 78,14ha, tổng sản lượng lâm sản tận dụng là 4.397m3, trong đó có 5.119 cây gỗ các loại.
Để thực hiện, Công ty Bình Phước không trực tiếp khai thác mà ký hợp đồng với Công ty Phát Lộc. Ngày 28-3-2016, Giám đốc Công ty Bình Phước Nguyễn Xuân Tuyến đã ký với Giám đốc Công ty Phát Lộc Nguyễn Ngọc Mai hợp đồng kinh tế số 14/HĐKT/2016 về việc khai thác, vận xuất, vận chuyển lâm sản tại khu vực trên. Theo hợp đồng, Công ty Bình Phước giao cho Công ty Phát Lộc tự bỏ tiền tổ chức khai thác, vận xuất, vận chuyển lâm sản với số tiền hơn 880 triệu đồng. Các bên cũng thông qua hợp đồng kinh tế số 15/HĐKT/2016 về việc mua bán lâm sản; thống nhất Công ty Phát Lộc phải thanh toán số tiền hơn 3,49 tỷ đồng cho Công ty Bình Phước... Một ngày sau, Công ty Bình Phước đã ký biên bản bàn giao hiện trạng, vị trí khai thác tận dụng lâm sản tại khoảnh 5, 6 tiểu khu 389, Nông lâm trường Tân Lập và phía Công ty Phát Lộc cũng nộp đủ số tiền hơn 3,49 tỷ đồng và đưa lực lượng, phương tiện vào khai thác gỗ.
Lãnh đạo Công ty Phát Lộc cho biết: “Tận dụng tối đa thời gian nên sau khi đạt được thỏa thuận, công ty đã chủ động liên hệ với cơ quan chức năng có thẩm quyền để đưa người và phương tiện vào khai thác, đồng thời đảm bảo tuyệt đối không khai thác ra ngoài vị trí đã bàn giao”. Ngoài ra, do việc khai thác mất nhiều thời gian nên Sở NN - PTNT tỉnh Bình Phước đã ban hành quyết định số 201/QĐ-SNN- KL gia hạn thời gian khai thác tận dụng lâm sản tại khoảnh 5, 6 tiểu khu 389 đến hết ngày 30-7-2016.
Nguy cơ tay trắng
Cũng theo phản ánh của Công ty Phát Lộc, ban đầu chẳng có chướng ngại nào trong việc khai thác và vận chuyển nên đã có một lượng gỗ lớn tại các khoảnh 5, 6 được công ty khai khác, tập kết thành bãi và vận chuyển ra khỏi rừng theo quy định. Song trớ trêu thay, cùng thời gian này, tỉnh Bình Phước dính vào vụ lùm xùm định phá 575ha rừng để làm chăn nuôi, bị các cơ quan báo chí phanh phui nên Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trăm phải ra văn bản số 2328/UBND-KTN vào ngày 16-8-2016 rà soát các dự án triển khai trên đất lâm nghiệp.
Theo báo cáo mới nhất của Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước, sản lượng lâm sản tại khu vực Công ty Phát Lộc khai thác còn tồn là 1.413m3, trong đó gỗ lớn 473m3, gỗ tận dụng 55m3 và củi 855m3. Báo cáo cũng khẳng định: Các dự án triển khai trên địa bàn đều thực hiện theo chủ trương, chỉ đạo và phê duyệt dự án của UBND tỉnh và quá trình triển khai đảm bảo đầy đủ quy trình từ hồ sơ thiết kế, cấp phép khai thác tận dụng lâm sản; việc khai thác, vận xuất, vận chuyển được thực hiện dưới sự giám sát của chủ rừng và kiểm tra, xác nhận của hạt kiểm lâm sở tại.
Thế nhưng, sau 2 năm thì hàng ngàn khối gỗ hợp pháp này vẫn nằm ngổn ngang trong rừng và có nguy cơ cạn kiệt giá trị sử dụng khiến doanh nghiệp thiệt đơn thiệt kép, đứng trước nguy cơ tay trắng. Đại diện lãnh đạo Công ty Phát Lộc tỏ ra bức xúc: “Bỏ vốn đầu tư hàng tỷ đồng những tưởng sớm hưởng được thành quả, nào ngờ cùng với chỉ đạo đó, công ty không thể đưa số lượng gỗ còn lại ra khỏi cửa rừng. Mặc dù tiếc đứt ruột cả ngàn khối gỗ đang phải chịu tác động xấu của thời tiết nhưng chẳng còn cách nào khác ngoài việc đứng nhìn…”.
Do thời gian “ngâm cứu” quá lâu và quá xót trước tiền của bỏ ra nên doanh nghiệp đã nhiều lần gặp gỡ Thường trực Tỉnh ủy, gửi đơn kêu cứu và Tỉnh ủy Bình Phước đã có nhiều văn bản chỉ đạo, mới nhất là Thông báo số 1581 ngày 2-1-2018 đề nghị UBND tỉnh khẩn trương có phương án giải quyết nhanh, không kéo dài thêm, phát sinh thêm khó khăn cho công ty nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết rốt ráo.
Ngành nông nghiệp cũng có nhiều văn bản đồng thuận với doanh nghiệp. Cụ thể là có công văn phúc đáp số 11016/BNN-TCLN (ngày 23-12-2016) do Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn ký, đề nghị UBND tỉnh Bình Phước chỉ đạo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước tổ chức kiểm tra. Công văn nêu: “Nếu việc khai thác tận dụng được thực hiện đúng trong phạm vi diện tích đã được cấp thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng và thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật thì cho phép tiêu thụ để tránh lãng phí tài sản”. Và mới nhất, ngày 27-12-2017, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Cao Chí Công đã có công văn số 230/TCLN-KL, đề nghị UBND tỉnh Bình Phước xem xét và có ý kiến chỉ đạo việc vận chuyển, tiêu thụ khối lượng lâm sản tận dụng theo ý kiến của Bộ NN-PTNT.
Tuy nhiên, hiện vụ việc vẫn cứ dùng dằng không hiểu vì sao? Trong khi đó, hàng ngàn mét khối gỗ đã cấp phép khai thác và vận chuyển của doanh nghiệp Phát Lộc vẫn nằm ngổn ngang, phơi nắng, phơi mưa trong rừng và doanh nghiệp vẫn phải tốn chi phí trông coi. Bà Nguyễn Ngọc Mai, Giám đốc Công ty Phát Lộc, buồn bã nói: “Khi được cấp phép, doanh nghiệp chúng tôi đã phải đi vay đi mượn để đóng cho đủ, chỉ mong khai thác và vận chuyển gỗ ra khỏi rừng. Sau chỉ đạo ngưng khai thác, chúng tôi vẫn tuân thủ, nhưng nào ngờ tình trạng đã 2 năm nay rồi gỗ vẫn nằm ngổn ngang, bị mối mọt đục khoét, giá trị sử dụng bị hao hụt. Nay đang mùa khô, nguy cơ cháy rừng ngày càng cao, từ đầu năm đến nay, bãi gỗ của công ty đã 2 lần bị cháy”.
Nguyện vọng của doanh nghiệp là đã đóng tiền đầy đủ theo quy định nên muốn được vận chuyển, kinh doanh số gỗ đã khai thác để bù đắp chi phí bỏ ra. Nhưng rõ ràng, cách điều hành khó hiểu của UBND tỉnh Bình Phước đã gây khó cho doanh nghiệp!