
Thời gian gần đây, người dân tỉnh Thái Nguyên xôn xao tin đồn: “Cả một gia đình ở huyện Phú Bình biến thành quỷ”. Phóng viên Báo SGGP đã tìm về xóm Đá Bạc, xã Bàn Đạt, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Đây là vùng đồng bào dân tộc Sán Dìu khá heo hút. Trước khi cho người dẫn đi, lãnh đạo xã cẩn thận hỏi xem trong chúng tôi có ai mắc bệnh tim không, vì sự thật còn vượt xa cả tin đồn.
Căn bệnh quái ác

Chị em Mói ngồi vẽ tranh lúc rảnh rỗi.
Nhà ông Lục Văn Quân, 48 tuổi ở giữa xóm Đá Bạc, vợ ông là Trương Thị Năm, lớn hơn ông 3 tuổi. Ông bà đều sinh ra, lớn lên và làm ăn sinh sống tại địa phương. Hai người có 6 con, duy nhất con trai thứ ba là Lục Minh Tuấn, sinh năm 1983, chưa mắc bệnh. Ông bà cho biết các con sinh ra đều kháu khỉnh, nhanh nhẹn, khỏe mạnh.
Đến năm 1990, cô gái đầu Lục Thị Mói (sinh năm 1978) thấy đau vùng mặt, da mặt sáng bóng lên, rồi dần xám lại, mặt sưng to lại luôn bị sốt cao. Ông lo lắng đem con đi Bệnh viện Đa khoa Thái Nguyên, các bác sĩ chẩn đoán u xương đã phẫu thuật nạo bỏ tế bào. Không ngờ bệnh không khỏi mà còn bùng phát, chẳng bao lâu khuôn mặt cô bé biến dạng hoàn toàn bởi hai khối u khổng lồ ở cả hai bên má.
Các bác sĩ Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương cũng bó tay với căn bệnh quái ác, chỉ biết động viên an ủi gia đình. Các năm sau, lần lượt em gái Lục Thị Hai (SN 1979), em trai Lục Văn Cường (SN 1985) phát bệnh. Đến lúc này, gia đình không thể bình tĩnh được nữa. Bất cứ nghe nơi nào có thầy hay thuốc giỏi đều tìm đến, gia sản tiêu tán theo bệnh tình của con. Cô con gái thứ tư là Lục Thị Long học hết lớp 9, không thể chịu được ánh mắt khiếp sợ của bạn bè phải bỏ học.
Mặc dù bệnh tật, đau đớn, luôn mang mặc cảm, Long luôn là học sinh giỏi của Trường Trung học cơ sở Bàn Đạt, là niềm hy vọng của cả nhà. Tháng 3 năm 2007, cô út Lục Thị Linh, đang học lớp 5 cũng đã mọc u. Ông Quân lại khăn gói đưa con về Bệnh viện Răng - Hàm - Mặt Trung ương. Lần này, Linh đã may mắn được đoàn bác sĩ Mỹ, lấy tế bào mang về Mỹ xét nghiệm, hẹn sau một năm sẽ quay lại. Cả gia đình đang dạt dào hy vọng.
Ông bà Quân rất đau lòng với căn bệnh quái ác đang hành hạ các con. Họ cũng không hiểu vì đâu mà 5 trong số 6 người con đều phải mang “khuôn mặt quỷ” - căn bệnh chưa một ai trong gia tộc mắc phải.
Và những tấm lòng thánh thiện
Nghỉ học, Long xin phép bố mẹ cho chị em cô dọn vào ở ngôi nhà trong núi. Khi còn khá giả, ông Quân đã định tập trung cả nhà vào núi làm trang trại, chăn nuôi, làm rừng. Sau vì đốt hết của cải và sức lực vào bệnh tình của các con nên kinh tế nhà ông từ khá giả đã thành nghèo kiệt.
Ngôi nhà của 5 chị em rất khang trang sạch sẽ, tràn ngập tiếng nói cười. Điều này vượt xa sự mường tượng của chúng tôi. Trước đó, những người dân trong xóm nói với chúng tôi rằng các em rất mặc cảm vì sự xấu xí khủng khiếp của mình nên trốn vào rừng không gặp người lạ. Vậy nhưng cả 5 chị em đã niềm nở đón tiếp chúng tôi từ ngoài ngõ. Ngôi nhà của các em được bố trí rất gọn gàng với nhà trên, nhà bếp, các dãy chuồng trại và vườn hoa.
Trong nhà, giường chiếu thơm tho, khắp tường dán ảnh ca sĩ, người mẫu, treo gương lược. Các em đang phơi phới tuổi xuân, Mói lớn nhất mới 29, Long tròn 17, Linh mới 11. Bệnh tật không làm suy yếu tinh thần các em. Hàng ngày các chị em gái soi gương, nhìn kỹ những đường nét khi chúng chưa bị biến dạng. Cường vẫn tập đánh ghita và nuôi một con khướu nhỏ, đã dạy nó nói được. Ngoài những việc đồng áng giúp bố mẹ, các em còn nuôi hàng chục thỏ, gà. Chỉ Cường còn thỉnh thoảng tụ tập cùng bạn, vì dẫu sao em là con trai, mặc cảm về hình thể cũng không quá ghê gớm. Em nói nghe rất thương: “Em rất ghét trời sáng trăng, những đêm tối em mới dám đi chơi cùng các bạn”.
Lục Thị Hai kể, vào năm 2003 em và Mói đã rủ nhau trốn khỏi nhà, đi bộ từ 1 giờ đêm tới 8 giờ sáng thì đến được bến xe khách Thái Nguyên, khi các em lên xe, nhiều hành khách rú lên vì khiếp sợ. Các em tìm về Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ lại dẫn sang Bệnh viện Việt Đức, tuy không chữa được bệnh nhưng được nhận rất nhiều sự cảm thông, mọi người quyên góp được gần 2 triệu đồng cho các em. Nhờ số tiền này, các em mua được chiếc ti vi nhỏ và chiếc đầu đĩa để nghe nhạc, xem phim.
Khi được hỏi về mơ ước, các em đều bảo dù bệnh tật và cuộc sống rất khó khăn nhưng vẫn rất hạnh phúc vì có gia đình hòa thuận, vẫn có sức khỏe để lao động và được mọi người cảm thông chia sẻ. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề nghị tặng chiếc máy xay thịt để giúp các em ăn uống dễ dàng hơn thì Long rụt rè bảo em cũng muốn có một chiếc máy khâu và một chiếc bàn là để có thể may vá quần áo giúp những hàng xóm nghèo. Hai thì bày tỏ nguyện vọng có một quyển sách tự học tiếng Anh để khi gặp lại các bác sĩ Mỹ em có thể hỏi về bệnh tình của các anh chị em và của mình.
BẠCH LIỄU