“Một kỳ thi mà đậu gần 100% thì tổ chức làm gì?”

“Một kỳ thi mà đậu gần 100% thì tổ chức làm gì?”

Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

Tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT của cả nước năm 2014 khoảng 99% (năm 2013 là 98,97%) đã gây băn khoăn trong dư luận. Bộ GD-ĐT cho rằng việc đổi mới thi tốt nghiệp 2014 cộng với việc đổi mới đề thi... đã khiến tỷ lệ đậu tốt nghiệp cao. PV Báo SGGP đã trao đổi với ông Đào Trọng Thi (ảnh) về vấn đề này.

* Phóng viên: Bộ GD-ĐT cho rằng, với việc đổi mới thi tốt nghiệp THPT 2014, điểm thi năm nay phản ánh sát hơn năng lực của học sinh. Dư luận thì rất hoài nghi, ông có suy nghĩ gì?

* Ông ĐÀO TRỌNG THI: Việc tỷ lệ đậu cao có thể đánh giá theo nhiều góc độ khác nhau, kể cả tích cực và tiêu cực. Vừa rồi, Bộ GD-ĐT đổi mới tổ chức kỳ thi tốt nghiệp 2014 thì được đánh giá là tốt hơn so với những năm trước, đề thi cũng đổi mới. Vì vậy, khi chưa có kết quả thi thì có nhiều ý kiến khen ngợi của xã hội, bởi học sinh được làm bài thi theo đề đổi mới, hình thức thi đổi mới.

Tuy nhiên, khi có kết quả thi cao thì đánh giá của xã hội lại đang có chiều hướng khác đi. Kết quả của kỳ thi mang tính chuyên môn, vì vậy đánh giá phải kỹ lưỡng, cẩn trọng, theo nhiều góc độ phân tích một cách toàn diện.

* Nhưng nếu kết quả học sinh thi đậu cao như vậy thì có cần thiết tổ chức một kỳ thi quốc gia không?

* Từ trước tới nay tôi vẫn không ủng hộ kỳ thi tốt nghiệp cấp quốc gia. Vì một kỳ thi mà gần 100% thí sinh thi đỗ thì tổ chức làm gì. Chúng ta có nhiều cách để đánh giá chứ không chỉ duy nhất là tổ chức một kỳ thi quốc gia. Tôi cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia của chúng ta, dù là kiểm tra từng em một nhưng chưa chắc cho kết quả chính xác. Nếu chúng ta chỉ chọn mẫu kiểm tra vài ngàn học sinh thì sẽ có đủ điều kiện để làm một kỳ thi đủ nghiêm túc, chặt chẽ, cho kết quả chính xác hơn. Còn tổ chức thi tốt nghiệp như hiện nay thì tỉnh có chất lượng giáo dục tốt hơn lại có tỷ lệ đậu tốt nghiệp thấp hơn những tỉnh có điều kiện, chất lượng giáo dục chưa cao.

* Hiện Bộ GD-ĐT vẫn xúc tiến đổi mới thi cử theo hướng chỉ còn một kỳ thi quốc gia để vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ xét tuyển vào ĐH-CĐ. Ông có ủng hộ chủ trương này?

* Điều này tôi đã có ý kiến rất nhiều lần. Chúng ta có thể tổ chức một kỳ thi để sử dụng ở mức độ cho cả 2 mục đích. Nhưng nếu bảo làm một kỳ thi để thực hiện 2 chức năng đó thì đó là sai, sai ngay từ cách tiếp cận.

Hiện nay, Bộ GD-ĐT vẫn đang nghiên cứu phương án, khi nào trình sang thì ủy ban chúng tôi mới có ý kiến. Chúng tôi sẽ kiên quyết yêu cầu hủy bỏ phương án nếu làm sai luật.

Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng, một kỳ thi mà với tỷ lệ đậu gần 100% thì không có giá trị để xét tuyển vào ĐH-CĐ.

* Cảm ơn ông!

PHAN THẢO 

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển: Kết quả thi tốt nghiệp chưa sát thực tế

Cuối giờ chiều 18-6, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã thông tin chính thức về kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014.

Theo đó, tính đến chiều 18-6, qua báo cáo của 60/63 tỉnh thành, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT 2014 là 98,99% (năm 2013 là 98,97%); hệ giáo dục thường xuyên là 88,91% (năm 2013 là 78,08%).

Trước các chất vấn của báo giới có nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT có kết quả không thực chất này không, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: “Không bỏ nhưng cũng không thi như hiện nay. Phải đổi mới kỳ thi, phản ánh chất lượng đúng hơn, hướng tới kỳ thi ngày càng nhẹ nhàng, đỡ tốn kém, không gây áp lực, quá tải”. Ông Nguyễn Vinh Hiển nhìn nhận, kết quả thi tốt nghiệp năm 2014 chưa sát thực tế 100%. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục phân tích để đưa ra giải pháp đổi mới thi cử, phản ánh đúng thực tế hơn vào kỳ thi năm sau, từ đổi mới kỳ thi năm nay, ngành giáo dục xây dựng đề án tiến tới 1 kỳ thi chung để sử dụng kết quả xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ. Các trường ĐH-CĐ có thể sử dụng một phần kết quả để làm căn cứ tuyển sinh hoặc toàn bộ.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục