Ấn Độ, chặng dừng chân cuối trong chuyến công du ba nước châu Á lần này, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã kịp gây ấn tượng với đối tác chiến lược khi khéo léo đề cập đến một vấn đề nhạy cảm, quan trọng đối với cả hai quốc gia.
Ngày 7-5, bà Clinton dẫn thông tin từ cơ quan tình báo Mỹ khẳng định thủ lĩnh Ayman al-Zawahiri của Al Qaeda (là thủ lĩnh số hai dưới thời Bin Laden và được các cơ quan tình báo Mỹ ví như nhà tư tưởng chính của Al Qaeda) đang sống ở Pakistan, nơi mà trùm khủng bố Bin Laden đã bị truy lùng và tiêu diệt. Bà cam kết sẽ duy trì sức ép đối với các tổ chức phiến quân ở quốc gia Nam Á này. Thật ra, thông báo của bà Clinton không đơn thuần là thông tin để Ấn Độ tham khảo mà nhắm đến ba mục tiêu quan trọng của Washington.
Trước hết, việc khẳng định Ayman al-Zawahiri đang có mặt ở Pakistan chẳng khác nào là sự xoa dịu đối với Ấn Độ-quốc gia luôn e ngại mối đe dọa khủng bố đến từ anh em láng giềng Pakistan. Vấn đề an ninh được chính quyền và người dân Ấn Độ quan tâm nhất chính là làm sao loại trừ được tận gốc lực lượng khủng bố từ Pakistan. Có vẻ, Mỹ đang có ý đứng cùng chiến tuyến với Ấn Độ trong cuộc chiến chống khủng bố để từ đó “sát cánh” trên những “mặt trận” khác.
Đáng chú ý là trong chuyến thăm Ấn Độ, bà Clinton cũng đã kịp đến Kolkata, thủ phủ bang Tây Bengal, tranh thủ gặp Thủ hiến Mamata Banerjee để thuyết phục bà Banerjee ủng hộ các chính sách của Mỹ, đặc biệt là chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành bán lẻ của Ấn Độ, đồng thời tăng đầu tư của Mỹ vào nước này. Mỹ còn cần Ấn Độ đứng về phía mình trong việc trừng phạt ngành dầu mỏ Iran, vấn đề mà Ấn Độ tỏ ra rất cứng rắn.
Kế đến, kết quả tình báo được tiết lộ đúng thời điểm ông Obama bắt đầu chiến dịch tranh cử của mình. Cũng trong ngày 7-5, các quan chức Mỹ xác nhận việc ngăn chặn thành công âm mưu đánh bom khủng bố trên máy bay (đang trên đường đến Mỹ) do nhánh Al Qaeda tại bán đảo Ảrập (AQAP) hoạt động ở Yemen lên kế hoạch thực hiện. Kẻ tình nghi sử dụng loại thuốc nổ tương tự như loại thuốc nổ mà tên khủng bố người Nigeria giấu trong người trên chuyến bay từ Hà Lan về Detroit, Mỹ dịp Giáng sinh năm 2009.
Tuy nhiên, thiết bị lần này đã được cải tiến đáng kể. Như vậy, một lần nữa, Washington tự tin nói với người Mỹ rằng hãy yên tâm vì những âm mưu này không thể đe dọa được an ninh công cộng của họ, rằng chính quyền Obama đang có được những nhân viên tình báo tinh nhuệ và trung thành. Tiêu diệt được Bin Laden chính là dấu son trong nhiệm kỳ của ông Obama nên đấu tranh chống khủng bố chính là lợi thế mà ông Obama muốn nhấn mạnh để tiếp tục thu hút sự ủng hộ của người dân.
Cuối cùng, Mỹ hiện đã gần như trắng tay với cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan, đáng xấu hổ hơn nữa là sự thiệt hại quá lớn về tài chính và tính mạng con người. Mặt khác, Mỹ muốn gây áp lực với Pakistan vì hiện nước này vẫn còn đóng cửa biên giới, không cho Mỹ và NATO đưa hàng tiếp viện bằng đường bộ sang Afghanistan. Mỹ phải tăng cường sử dụng đường hàng không tốn kém và đường biên giới phía Bắc hiểm trở của Afghanistan để đảm bảo nhu cầu tiếp tế. Cũng vì những lý do đó mà trọng tâm của chính quyền Mỹ không gì khác ngoài việc hướng dư luận đến chiến trường chống khủng bố kế tiếp sau Afghanistan, là Pakistan.
NHƯ QUỲNH