Ai cũng hiểu ít nhiều về mối liên hệ giữa bệnh gút và rượu bia. Tuy vậy, số người hiểu đúng về tầm nguy hại của căn bệnh này vẫn chưa là đa số. Nhiều người khu trú căn bệnh do tăng acid uric trong máu vào hình ảnh viêm khớp ngón tay, ngón chân đến độ kêu trời không thấu. Đúng nhưng chưa chính xác vì:
1. Mục tiêu công phá đầu tiên của acid uric lại không tập trung ngay vào khớp xương. Người có lượng acid uric trong máu mới tăng thường bị đau ở gáy, bắp đùi hay bắp chuối và rất thường dưới hình thức vọp bẻ. Một số không ít bệnh nhân cũng có thể bắt đầu nỗi khổ vì acid uric với khuynh hướng đau gót chân tái đi tái lại trước khi triệu chứng viêm khớp bàn tay, bàn chân lộ diện rõ rệt.
2. Không chỉ có khớp. Lớp da cũng là cơ quan có tính cảm ứng rất cao với acid uric. Thống kê cho thấy rất nhiều trường hợp bị chẩn đoán lầm là dị ứng trên thực tế lại là hậu quả của tình trạng tăng acid uric trong máu. Mụn trên người đã trưởng thành cũng có thể do acid uric ngấm ngầm phá hoại. Cũng đừng quên kiểm soát acid uric nếu tình cờ ghi nhận vài nốt cứng trên loa tai hay mí mắt.
3. Acid uric hễ thừa bao giờ cũng tìm chỗ kết tủa. Người quen uống mỗi ngày hơn 1 ly bia hay rượu mạnh là ứng viên hàng đầu của sỏi trên đường tiết niệu. Tương tự như thế là đối tượng uống không đủ lượng nước bù trừ khi đổ mồ hôi. Cẩn tắc vô áy náy, nếu phát hiện sỏi thận trong đợt khám sức khỏe nên xin thầy thuốc cho thử acid uric.
4. Béo phì bao giờ cũng là nguồn cung ứng chất acid uric. Nếu trị số BMI (trọng lượng cơ thể/bình phương chiều cao) của bạn cao hơn 25 thì không cần đợi đến xét nghiệm cũng đoán được lượng acid uric trong máu của bạn khó trong định mức bình thường. Giảm cân đúng lúc và đúng cách vì thế là một trong các phương pháp không cần dùng thuốc mà hiệu quả để phòng ngừa bệnh do tăng acid uric.
5. Yếu tố di truyền là nhân tố không thể tách rời trong các bệnh do tăng acid uric. Do đó, người có thân nhân đã là nạn nhân của bệnh gút nên kiểm soát lượng acid uric, đồng thời áp dụng các loại dược thảo có tác dụng hạ acid uric như râu mèo, râu bắp, atiso…, thay vì đợi đau khớp mới tìm thầy chạy thuốc.
6. Rượu bia đúng là đòn bẩy của bệnh gút. Nhưng đừng trăm dâu đổ đầu một thủ phạm. Có nhiều món ăn, thức uống làm tăng acid uric không thua rượu bia như cá mòi, cá nục, nội tạng động vật, bạc hà, nước ngọt có ga.
7. Chẩn đoán tất nhiên không quá khó nếu khớp đã đỏ như tôm luộc. Thế nhưng, triệu chứng báo động cho tình trạng acid uric mấp mé ngưỡng bệnh lý lại không hề gắn liền với hệ vận động. Dấu hiệu báo động thậm chí mơ hồ mới khổ cho nạn nhân (đối tượng bắt đầu thừa acid uric là người hay mệt mỏi, đau đầu, khó ngủ). Chính vì thế mà ít ai đến thầy thuốc chỉ vì nghi ngờ bệnh gút chực chờ vào khớp.
Bác sĩ LƯƠNG LỄ HOÀNG
(Trung tâm Điều trị ôxy cao áp)