
Sau hơn hai năm chuẩn bị, được sự hỗ trợ và giúp đỡ nhiệt tình của Đại sứ quán Na Uy, Nhà hát kịch Việt Nam đã hoàn tất vở “Hedda Gabler” của nhà biên kịch Henrik Ibsen. Vở diễn này hoàn thành và kịp thời ra mắt nhà vua Na Uy nhân dịp ông sang thăm Việt Nam…
Trong kho tàng văn học và sân khấu cổ điển thế giới, Henrik Ibsen có một vị trí đặc biệt. Tại Na Uy, ông là một trong “tứ trụ văn đàn” của thời văn học vàng son những năm đầu giành độc lập (1814). Với sân khấu thế giới, ông được coi là “người mở đầu cho thời kỳ hưng thịnh thứ ba của sân khấu châu Âu và được đánh giá là một trong năm nhà viết kịch lớn nhất của sân khấu thế giới”. Các tác phẩm của ông có ảnh hưởng nhất định đến tư tưởng và sự phát triển của sân khấu châu Âu đầu thế kỷ XIX.

Cảnh trong vở kịch “Hedda Gabler”. Ảnh: AN DUNG
Ngay từ những năm 1965, ngành sân khấu Việt Nam đã quan tâm, dịch và nghiên cứu về các tác phẩm nổi tiếng của H. Ibsen như: “Nhà búp bê”, “Con vịt trời”, “Hồn ma bóng quỷ”, “Kẻ thù của nhân dân”…
Bên cạnh những tác phẩm về lịch sử, kịch thi ca… H. Ibsen thành công với những vở kịch tâm lý, phê phán xã hội đương thời. Đặc biệt, qua các tác phẩm của mình, ông là người đi tiên phong trong việc đòi quyền của phụ nữ, bình đẳng giới…
Vở kịch “Hedda Gabler” được H. Ibsen hoàn thành vào tháng 12-1890, sau đó được dàn dựng tại Na Uy và các nước trên thế giới và đã gây nhiều tranh luận. Tại Việt Nam, sau khi tham dự liên hoan Ibsen tại Na Uy vào năm 2002, Nhà hát kịch Việt Nam đã tìm hiểu và dàn dựng vở kịch này.
Đây là một hoạt động hợp tác giao lưu văn hóa trong chương trình nghiên cứu, trao đổi học tập, phương pháp làm việc của Nhà hát kịch Việt Nam với các nước phát triển trên thế giới. Nhân vật chính của vở kịch là Hedda Gabler (Lan Hương đóng) - một phụ nữ thuộc giới quý tộc, có cá tính mạnh mẽ, tham vọng và có cuộc sống hạnh phúc, đầy đủ mà mọi phụ nữ mong ước.
Không bằng lòng với cuộc sống khuôn mẫu và tẻ nhạt. Hedda phản kháng bằng sự nổi loạn, bằng mưu toan chế ngự thế giới đàn ông với những mối tình đan xen, rối rắm. Đối lập với Hedda là Thea Elvested (Thùy Hương) – một phụ nữ nhút nhát, nhưng trong tình yêu lại rất mạnh mẽ, biết chia sẻ và dám tranh đấu. Bị ràng buộc bởi hôn nhân không tình yêu, Thea dám phá bỏ mối quan hệ giả dối để được sống bằng trái tim tự do… Con đường đấu tranh đòi sự bình đẳng của Hedda Gabler cuối cùng đã bị bế tắc. Cô đã tìm sự giải thoát bằng phát súng kết liễu những người tình và chính bản thân mình…
Đạo diễn - NSND Nguyễn Ngọc Phương dù tuổi đã cao nhưng vẫn tâm huyết dàn dựng vở diễn này “Tôi muốn gởi đến các bạn trẻ một thông điệp: Hãy sống trung thực với chính mình cả trong tình yêu và lao động thì hạnh phúc sẽ đến. Còn ngược lại… chỉ có bất hạnh mà thôi…”. Theo NSƯT Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam, để nội dung vở kịch phù hợp với khán giả Việt Nam, anh đã biên tập lại kịch bản từ 110 trang còn lại 62, nên vở diễn có phần cô đọng và xúc tích hơn.
Riêng phần trang trí sân khấu, nhà hát đã đầu tư khá công phu để tái hiện lại bối cảnh của phòng khách quý tộc châu Âu đầu thế kỷ thứ XIX được lấy mẫu từ chính phòng khách của nhà biên kịch Henrik Ibsen. Mặc dầu, giữa nhịp sống hiện đại, tiết tấu của vở kịch còn khá chậm, chủ yếu khai thác chiều sâu tâm lý nhân vật, nhưng đây cũng là dịp tốt để khán giả thành phố được tiếp cận với một tác phẩm hay của sân khấu kinh điển thế giới.
VIỆT HÀ