Hồi ký của các nhà báo cao tuổi tại TPHCM là tập sách mới nhất trong loạt sách “Một thời làm báo”, do CLB các nhà báo cao tuổi tại TPHCM thực hiện. Tập sách bao gồm bài viết của hơn 40 nhà báo lão thành với nội dung là những hồi ức, kỷ niệm về một thời làm báo của mỗi người.
Đó có thể là hồi ức về những ngày tháng gian nan làm báo cách mạng giữa lòng địch của hai nhà báo Văn Lương-Đặng Tấn (Làm báo “Thủ đô” của mật vụ miền Trung), hay dưới sự che chở của nhân dân của nhà báo Lê Quý (Sống trong sự đùm bọc, nuôi dưỡng và bảo vệ của dân). Là những nhà báo cách mạng, các bài viết nhắc nhiều đến những câu chuyện thời kháng chiến với các mẩu chuyện nhỏ nhưng đem đến cho người đọc nhớ về những hình ảnh một thời chiến tranh thấm đẫm chất hào hùng, oanh liệt nhưng cũng không kém phần lãng mạn, yêu đời như bài viết của nhà báo Cao Kim Toàn (Đón giao thừa trong chiến khu chống Mỹ)…
Những câu chuyện về nghề nghiệp, những kỷ niệm trên con đường làm báo trong tập sách trải dài gần như trọn vẹn lịch sử cách mạng Việt Nam hiện đại. Có những bài viết kể về kinh nghiệm làm báo từ năm 1936 như của nhà báo Dương Hà (Thực dân Pháp cho tôi một bài học) cho đến những câu chuyện về người làm báo hiện nay như của nhà báo Trần Thanh Phương (Nhớ lại 10 năm Báo Đại Đoàn Kết tôn vinh thương hiệu Việt).
Cuốn sách đã chứa đựng nhiều kỷ niệm vui buồn, những bài học kinh nghiệm đáng quý trong đời làm báo của các nhà báo lão thành. Những kinh nghiệm đó là các bài học đáng quý cho các thế hệ làm báo hiện nay và sau này, đồng thời cũng giúp bạn đọc hiểu thêm về chuyện đời, chuyện nghề của những người làm báo ở nhiều thời kỳ, hiểu thêm về những chuyện “bếp núc” của những sản phẩm báo chí trong giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc.
T.VY