
Trên thị trường đã bày bán đủ các loại bánh Trung thu mặc dù còn cả tháng nữa mới đến rằm, và các cơ sở sản xuất thi nhau nổi lò để làm bánh. Trong khi đó, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) gần như bị làm ngơ. Ngày 19-8, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đã tiến hành kiểm tra một số cơ sở làm bánh Trung thu và trực tiếp chứng kiến cảnh… mất VSATTP.
Bánh Trung thu “ăn” phẩm màu... quá đát!
Nằm ngay mặt tiền đường ở số 256-256A Bạch Đằng, phường 24, quận Bình Thạnh, cơ sở bánh ngọt Hỷ Lâm Môn trông khá bề thế với đủ các loại bánh ngọt, bánh Trung thu được bày bán. Tuy nhiên, phía bên trong mặt bằng chế biến là một bãi tạp nham do chưa được sắp đặt theo quy chuẩn chế biến một chiều. Bộ phận làm nhân bánh, nướng bánh, đóng gói và cả nơi để trứng, nguyên liệu… không theo một trật tự nào. Tại khu vực làm nhân, từng khay để lòng đỏ trứng muối không hề được che đậy.
Còn tại kho đựng nguyên liệu, bao bì là cả một đống lộn xộn, kể cả thùng đựng bơ cũng mở toang và có nhiều kiến bò. Tại thời điểm thanh tra, cán bộ thanh tra đã phát hiện can đựng phẩm màu cam dùng tạo màu cho bánh có xuất xứ từ Công ty Hương Việt, nhưng đã hết đát sử dụng từ ngày... 15-1-2007! Chủ cơ sở phân trần là chỉ sử dụng lại vỏ để chiết xuất nước màu sang chứ không sử dụng phẩm màu hết đát? Theo ghi nhận của đoàn thanh tra tại buổi làm việc, cơ sở còn chưa xuất trình được giấy khám sức khỏe của nhân viên trực tiếp chế biến, nhiều nhân viên chế biến để móng tay quá dài gây mất VSATTP…

Chế biến thịt làm nhân bánh Trung thu ngay dưới nền nhà tại cơ sở bánh Đông Hưng Viên. Ảnh: TG.L.
Tại cơ sở bánh ngọt Đông Hưng Viên (176-177 Bãi Sậy, phường 4, quận 6), Thanh tra Sở Y tế cũng đã ghi nhận việc sản xuất chế biến bánh Trung thu chưa đạt một số quy định về VSATTP. Đó là chế biến thịt heo làm nhân bánh ngay dưới nền nhà, nhà vệ sinh nằm trong khu sản xuất, nhân viên mới tuyển vào chưa được khám sức khỏe và tập huấn VSATTP. Đồng thời cán bộ thanh tra y tế cũng phát hiện 1 gói bột màu chocolate dùng trong chế biến bánh Trung thu không nhãn mác, không rõ nguồn gốc…
Đối diện với cơ sở Đông Hưng Viên là cơ sở bánh Trung thu Đồng Ký còn mất VSATTP hơn. Mặt bằng chật hẹp nên cơ sở Đồng Ký để đồ đạc, nguyên vật liệu bừa bãi, nhà vệ sinh nằm ngay khu chế biến. Tại thời điểm thanh tra, đoàn còn phát hiện nhiều can, lọ đựng phụ gia thực phẩm không nhãn mác…
Thanh tra lấy lệ, xử phạt chưa đủ răn đe
Việc thanh tra, kiểm tra VSATTP đối với bánh Trung thu đã trở thành truyền thống “đến hẹn lại lên”. Hễ năm nào đến mùa Trung thu, ngành y tế TP cũng có hẳn một kế hoạch thanh tra VSATTP rất… quy mô. Tuy nhiên, hễ kiểm tra là phát hiện đủ thứ vi phạm. Chính vì chạy theo lợi nhuận trước mắt, nhiều cơ sở đã không đếm xỉa đến sức khỏe của người tiêu dùng. Song vấn đề đặt ra là tại sao năm nào cũng thanh tra, kiểm tra nhưng vẫn đầy rẫy cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu vi phạm VSATTP, trong khi nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ bánh Trung thu rất cao?
Theo BS Trương Thị Thúy Mai, chuyên viên thanh tra Sở Y tế TPHCM, bánh Trung thu tuy mỗi năm chỉ rộ lên một mùa nhưng lại là thực phẩm được chế biến từ các loại nguyên liệu rất dễ ôi thiu, ẩm mốc như: trứng, thịt, bột đậu, phụ gia… Vì vậy, khó lường trước được nguy cơ ngộ độc mà bánh Trung thu gây ra. Lý giải về tình trạng nhiều cơ sở vẫn vi phạm VSATTP, BS Mai cho rằng ngoài cơ sở chưa ý thức hết về trách nhiệm đảm bảo VSATTP, hám lợi…, còn có nguyên nhân sự kiểm soát của các cơ quan chức năng hơi mỏng. Hiện nay, ngoài thanh tra của Sở Y tế, Y tế dự phòng các quận huyện cũng có trách nhiệm thanh kiểm tra VSATTP đối với bánh Trung thu.
Nhưng khi các quận huyện báo cáo lên đều rất ít cơ sở vi phạm bị đề nghị xử phạt. Điều đó cho thấy rằng, việc thanh tra, kiểm tra của y tế các quận huyện vẫn còn mang tính hình thức! Một vấn đề nữa, theo BS Nguyễn Minh Hùng, Chánh thanh tra Sở Y tế TPHCM, là mức xử phạt cao nhất theo quy định mới về VSATTP chỉ ở mức 30 triệu đồng. Nếu tính theo giá bánh Trung thu mà các cơ sở bán ra thì mức phạt này chỉ mới bằng 100 hộp bánh. Do đó, vẫn chưa có tính răn đe cao.
TƯỜNG LÂM