Mùa cỏ cháy nơi “thiên đường”

Tôi nghe bạn bè trong giới đi phượt nói nhiều về Tà Năng - Phan Dũng, cung đường trekking (du lịch bụi mạo hiểm) được mệnh danh đẹp nhất Việt Nam, ví như “thiên đường” mặt đất. Một chút máu xê dịch cộng với đôi chân chưa khi nào muốn ngơi nghỉ khiến tôi lại vác ba lô cho một hành trình mới. Và, hơn khi nào hết, chuyến đi này cho tôi cảm nhận một cách sâu sắc những điều tưởng chừng cũ kỹ: điều thú vị nhất là hành trình mà bạn trải qua chứ không hẳn là điểm đến.
Mùa cỏ cháy nơi “thiên đường”

Tôi nghe bạn bè trong giới đi phượt nói nhiều về Tà Năng - Phan Dũng, cung đường trekking (du lịch bụi mạo hiểm) được mệnh danh đẹp nhất Việt Nam, ví như “thiên đường” mặt đất. Một chút máu xê dịch cộng với đôi chân chưa khi nào muốn ngơi nghỉ khiến tôi lại vác ba lô cho một hành trình mới. Và, hơn khi nào hết, chuyến đi này cho tôi cảm nhận một cách sâu sắc những điều tưởng chừng cũ kỹ: điều thú vị nhất là hành trình mà bạn trải qua chứ không hẳn là điểm đến.

1. Chúng tôi đặt chân đến đỉnh Tà Năng khi trời chạng vạng tối, chỉ còn rơi rớt lại những ánh sáng cuối ngày. Lòng đầy tiếc nuối bởi nếu đi sớm hơn, nhanh hơn chúng tôi đã có thể cảm nhận được ánh hoàng hôn trong buổi chiều tà. Những bông cỏ lau, cỏ tranh và cả những loài cỏ chưa biết tên phất phơ trong gió chiều. Lòng người sao không khỏi háo hức bởi thành quả mình đã thu được sau chặng đường hơn 15km băng rừng, lội suối, trèo đèo, xuống dốc với 15kg hành lý trên vai. Nhưng rồi, ai cũng an ủi nhau, bình minh ở Tà Năng chắc còn đẹp và kỳ vĩ, nên thơ hơn rất nhiều. 

Trên đỉnh Tà Năng

Đêm trên đỉnh Tà Năng sụp xuống rất nhanh để vầng trăng ngày 16 càng tròn hơn, sáng hơn. Đã rất lâu rồi tôi mới cảm nhận được cái bao la, thanh khiết của đất trời. Nhóm một bếp lửa nhỏ, đặt nồi cơm nóng ăn kèm với món gà nướng. Bữa cơm của một ngày dài và của niềm vui ấm áp giữa những con người xa lạ nhưng cùng chung niềm đam mê mải miết trên những cung đường. Giấc ngủ đến rất nhanh, nhưng cũng là khi trăng đã trên đỉnh đầu, sáng, tỏ và phủ một màu bàng bạc khắp núi rừng. 

Tiếng của những chú ngựa gùi đồ của dân porter (người dẫn đường và vận chuyển đồ đạc cho các nhóm phượt) đạp đạp xuống bãi cỏ khiến chúng tôi tỉnh giấc khi trời vẫn còn u ám hơi sương. Ngó đầu ra khỏi lều, một cơn gió lạnh đủ để run rẩy nhưng sau đó, nắng vàng hanh hao bắt đầu óng lên. Vì vậy, không có lý do gì để tiếp tục ngủ nướng mà không khám phá những gì đã bỏ sót của buổi chiều muộn hôm trước. 

Nắng lên ánh trên những ngọn đồi khiến cảnh rừng vừa hùng vĩ, vừa nên thơ như một bức tranh mà người họa sĩ có tài ba đến mấy cũng không thể đặc tả hết được. Và những ống kính máy ảnh dù có tối tân đến nhường nào cũng không thể thu trọn những khoảnh khắc tuyệt mỹ ấy. Vậy nên, hãy để cảnh đẹp ấy in hằn trong ký ức và mỗi khi nhớ lại, chúng ta như được lật dở từng trang, từng trang và sống trọn vẹn trong niềm miên man ấy. Những triền đồi tranh sáng - tối khi nắng chưa kịp chiếu rọi hết. Những cây thông già tán lá xanh mướt vẫn còn đậm chút hơi sương. Và cả những thân cây đen cháy, khô gầy cũng trở nên thi vị biết chừng nào. Con đường đất đã trở thành lối mòn bởi những dấu chân người qua hồ như cũng bị che lấp bởi những vạt cỏ rung rinh trong nắng sớm. Những con đường đi qua gió như hát reo cùng những đồi cỏ và bàn chân người lại phấp phới bởi sự hào hứng dường như bất tận. “Thiên đường” đúng là đã ở đây.

2. Nhưng trước khi chạm ngõ đến thiên đường có hành trình nào đơn giản và dễ dàng đến thế. Chuyến xe đúng 12 giờ đêm đưa chúng tôi từ Sài Gòn hoa lệ lên vùng đất cao nguyên Tà Hine (Đức Trọng, Lâm Đồng) khi trời vẫn còn chìm trong hơi sương, lạnh. Một tô phở sáng đủ để ấm lòng và dằn bụng cho hành trình được báo trước không quá dài nhưng đủ để rút sức cho những bước chân trai tráng. Con đường bộ bắt đầu tại nơi mà chiếc xe 7 chỗ chở đoàn không thể tiếp tục đi vì sau cơn mưa trước đó vài ngày đường vẫn lầy lội, trơn trượt. 

Điểm tập kết đầu tiên, ngôi nhà hoa giấy trong “huyền thoại” của dân phượt hiện lên khiến tâm trạng vui phơi phới. Trước mặt là đồi thông với những tán thông xanh mướt, reo vui cùng nắng gió. Nhưng cứ mải mê theo con đường mòn đó một kết quả không ngờ đến: chúng tôi đã bị lạc. Trên đường lái xe đưa chúng tôi đến điểm đi bộ, anh Cường tài xế đã cảnh báo nhiều nhóm phượt bụi không có người dẫn đường dễ lạc như chơi. Có nhóm lạc đến 5 ngày, khi trở ra ai cũng xác xơ vì thiếu đồ ăn và nước uống. Chợt nhớ câu chuyện đó, ai cũng hoang mang, bữa trưa đầu tiên với cơm nắm, chà bông, giò chả do vậy cũng trở nên nặng nề.

Cứ dọc theo con đường chằng chịt những vết xe máy, xe đi rừng của người bản địa trong rừng thông chúng tôi lạc từ ngọn đồi này qua ngọn đồi khác. Nắng ngày càng gắt hơn dù gió vẫn mát rượi. Chỉ nghe được tiếng gió, thỉnh thoảng là tiếng suối nước còn tiếng người tịnh không một bóng. Có những con đường dẫn chúng tôi đến điểm cụt rồi lại trở ra, quay vòng như trong mê cung. Tiếng chó sủa vọng núi rồi tiếng máy của chiếc xe chở gỗ của nhóm thợ đi rừng khiến cả nhóm mừng húm. Những người bản địa với làn da đen cháy, nói tiếng Việt còn không sõi trở thành cứu cánh khi họ tận tình dẫn chúng tôi vượt qua bãi cỏ, hai con suối trước khi đến con đường chính để rồi thẳng tiến là đến đích. Hóa ra, chúng tôi vẫn là những kẻ lữ hành gặp may. 

Trong niềm hân hoan, cộng với trời đã dịu nắng đi giữa rừng để nghe tiếng chim hót, hít hà mùi thơm của hoa, lá và cây rừng, lòng người lại phơi phới. Bước chân rảo thật nhanh, qua con suối mà chỉ cần đặt chân xuống mặt nước mọi mệt mỏi tan biến. Suối trong veo, róc rách và mát lạnh. Nhưng hành trình cứ đơn giản như thế đôi khi mất đi cái thú của dân đi bụi. Hết lạc trong rừng bây giờ mới là những thử thách thực sự. Khi đôi chân đã bắt đầu mỏi, đôi vai bỏng rát vì hành lý quá nặng thì những cảnh đẹp đã thôi không còn nhiều ý nghĩa. Con đường đất đỏ với những dốc thẳng đứng hiện ra trước mắt. Chống cây gậy thật chắc rồi cứ từng bước, từng bước mệt mỏi trải qua. Chiếc xe thồ của dân porter lao đi vun vút khiến ai cũng ngẩn ngơ chỉ còn lại những vết xe in hình sâu hoắm trên đường. Cũng lạ, họ giống như được sinh ra cho những cung đường nên dốc dù cao đến mấy cũng không cản bước.

Nhưng nào đâu chỉ là một con dốc. Cơn mưa rừng dù đã tạnh khá lâu nhưng mặt đường vẫn còn ẩm ướt khiến nhiều đoạn càng trơn trượt. Con dốc đầu vừa hết trước mắt lại là con dốc thứ 2, thứ 3, thứ 4 và đến lúc không thể đếm nổi. Trời càng sụp tối nhanh nên dù mệt, dù có phải đi bằng 2 tay 2 chân cũng dằn lòng phải đi cho thật nhanh. Ai ai cũng mệt đến mức thở hắt bằng cả hai tai, khuôn mặt nhợt đi không một nụ cười.

Trước cuộc hành trình, có hàng vạn lý do cho câu hỏi đi làm gì? Nhưng với Tà Năng - Phan Dũng, câu hỏi đó sẽ hơi khác vì nhiều lúc, bạn muốn vứt bỏ tất cả và thốt lên: ở nhà chăn ấm nệm êm, ăn ngon ngủ kỹ, sung sướng không muốn vô rừng phá sức, đói khát để làm chi. Những bước chân cuối trước khi đến cửa “thiên đường” đôi chân như muốn quéo lại, các khớp muốn rục ra, thân xác rã rời  và chỉ còn biết vịn tay nhau mà đi. Nói thế, ngắn lắm vì hành trình đi qua còn kinh khủng gấp bội.

Nhưng mỗi hành trình trải qua nào đâu chỉ vì cảnh đẹp. Đi rồi mới biết sức chịu đựng của mình đến đâu và giới hạn nào để vượt qua. Đi để thấy cái tình người vẫn đượm nơi anh dẫn đường tận tình, nơi những bạn chung hành trình sẵn sàng chìa một cánh tay để cùng dắt nhau đi.

Và thế là, khi hành trình đến đích chúng tôi tự nhủ, mùa cỏ non năm tới sẽ lại cùng nhau trở về miền “thiên đường”.

VĂN TUẤN

Tin cùng chuyên mục