Mùa hè khủng hoảng

Khô hạn, lũ lụt, lốc xoáy là thiên tai thường xảy ra trong mùa hè. Nhưng trong năm nay, những hiện tượng thiên nhiên này đã bị chìm khi đứng cạnh các vụ khủng hoảng nóng bỏng như khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng xã hội, khủng hoảng lương thực, khủng hoảng lòng tin…         

Tâm điểm là nỗi lo xảy ra khủng hoảng kinh tế ở Mỹ - nền kinh tế số 1 thế giới. Sự trì hoãn nâng trần nợ công liên tục do cuộc chiến gay gắt giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ chỉ chấm dứt vào ngày 2-8, khi Tổng thống Obama ký thông qua dự luật nâng trần nợ công lên mức 2,4 ngàn tỷ USD. Mỹ thoát khỏi cảnh vỡ nợ nhưng hậu quả là bị Standard & Poor’s hạ mức tín dụng từ AAA xuống AA+, gây ra một “cú sốc” trên toàn cầu. Nợ Mỹ giờ đây đã trở nên kém an toàn hơn so với trước. Do đó, giới đầu tư có thể đòi mức lãi suất cao hơn đối với trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ.

Theo báo Wall Street Journal, nhiều khả năng mỗi tháng Washington phải trả thêm 75 tỷ USD.  Không chỉ chính phủ, các doanh nghiệp và người dân Mỹ sẽ gặp khó khăn hơn khi đi vay phải trả phí cao hơn.

Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, hàng loạt những dấu hiệu dồn dập cho thấy khủng hoảng nợ công tại châu Âu đã bắt đầu di căn. Sau Bồ Đào Nha, mới đây nhất, Ý đã chính thức trở thành “con bệnh” mới của vòng xoáy nợ công tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) khởi phát từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Nhiều tờ báo kinh tế đánh giá những diễn biến trên thị trường tài chính khu vực đồng euro như một “mớ bòng bong” khó thoát.

Tình hình bất ổn, khủng hoảng chính trị, xã hội tiếp tục lan rộng tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Điểm nóng nhất ở Trung Đông hiện nay là Syria, nơi chính phủ liên tục bị sức ép buộc phải từ chức trước thời hạn. Thông tin của Ria Novosti cho biết NATO có thể mở một mặt trận thứ hai trong năm nay để bình ổn tình hình tại Syria càng gây hoang mang trong dư luận. Nếu đúng vậy, NATO sẽ tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn như ở Libya.

Còn xứ Bắc Âu vốn hiền hòa thì những ngày cuối tháng 7 bao trùm bầu không khí tang tóc. Vụ khủng bố kép tại Oslo ngày 22-7 tước đi sinh mạng 93 người, khiến các nhà chức trách châu Âu phải tính tới việc giải quyết sao cho triệt để các phần tử cánh hữu và cực đoan. Giới quan sát cho rằng, sức mạnh ngày càng tăng của các lực lượng cánh hữu có liên quan chặt chẽ tới những ảnh hưởng về mặt xã hội và kinh tế của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tại nhiều quốc gia châu Âu. Vì thế, việc đảm bảo chính sách thắt chặt tài chính sẽ đặt ra những thách thức khó khăn hơn đối với việc bình ổn kinh tế và trật tự xã hội ở đây.

Trong lúc Mỹ, châu Âu đau đầu với khủng hoảng kinh tế, nợ công, Trung Đông, Bắc Phi bất ổn thì ở khu vực Sừng châu Phi đang chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng lương thực. 29.000  trẻ em Somalia đã bị chết vì thiếu ăn. Ước tính khoảng 3,7 triệu người Somalia, tương đương 1/3 dân số Somalia, có nguy cơ bị chết đói, trong khi hàng triệu người khác ở các nước như Ethiopia, Kenya, Uganda... cũng có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh tương tự, khi phải đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 60 năm qua.

Hàng loạt các cuộc khủng hoảng xảy ra liên tiếp khiến các quốc gia buộc phải tìm lối thoát phù hợp. Tuy nhiên, để có được phương thuốc hữu hiệu điều trị những “căn bệnh” đang từng bước làm rối loạn sự ổn định an ninh – chính trị – xã hội – kinh tế trên toàn cầu có lẽ còn cần một thời gian khá dài.

Thanh Hằng

Tin cùng chuyên mục