Mưa ký ức

Mưa ký ức

Ngày… tháng… năm

Trời lại bắt đầu có những cơn mưa. Nhìn mưa, tôi lại nhớ về quãng đời cơ cực. Ngày ấy, tôi còn có ba…

Ngày… tháng… năm

Chiều nay lại tiếp tục vào bệnh viện. Ba vừa nhập viện với tình trạng nguy kịch hơn. Nhìn những người đi nuôi bệnh, ai cũng trông chờ vào điều kỳ diệu, tôi nao cả lòng. Ba ơi!... Nhớ có lần, ba nói về mơ ước thật giản dị được về Huế chỉ để ôm lấy o Lan - chị của ba - là mãn nguyện lắm rồi. Đã lâu lắm, ba tôi chưa có dịp về lại nơi ấy. Chỉ có thế mà anh em tôi chưa thực hiện được, tụi con đau nhói cả lòng.

Minh họa: N.M.L.

Minh họa: N.M.L.

Trước giải phóng, ba tôi yêu nhất nghề báo. Ngày ấy người ta vẫn gọi ông là ký giả ăn mày. Năm 1975, ba tôi đổi nghề, chuyển sang làm bánh mì. Nhớ lần đầu tiên làm bánh, mấy cha con háo hức không ngủ được. 10 giờ tối bắt đầu làm, bốn cha con cùng nhồi bột, riêng cậu em út của tôi do còn nhỏ quá nên lăn ra ngủ khì.

Ba tôi rất khéo tay, tất cả những dụng cụ như khay, lò nướng đều do ông tự tay làm. Rồi những ổ bánh cũng được ra lò, trời lúc ấy cũng vừa chợt sáng. Mấy cha con nhìn nhau và phá ra cười. Ai nấy mắt mũi đều đen nhẻm, nhìn thật kinh khủng bởi thời đó toàn nấu bằng củi hoặc than, lấy đâu ra lò gas, điện như bây giờ. Có lúc, thiếu tiền nên ba đem mấy đôi dép cao su cũ nấu thay củi. Mùi thơm của bánh mì mới cũng không át được mùi cao su khét lẹt bám vào quần áo tóc tai của ba và anh em tôi.

Hồi ấy, có lúc nhà nước không phát bột mì nữa mà chuyển qua phát khoai mì. Thế là ba lại “sáng tạo” ra… bánh khoai mì nhân mặn, ngọt. Kêu bánh khoai mì nhân đậu xanh cho oai nhưng thực chất đều bằng khoai lang tán nhuyễn kèm gia vị. Sau đó, ba tôi còn làm biết bao loại bánh, nào bánh bao, bánh giò, chuối chiên rồi ổi, mận xắt lát… Cha con chúng tôi đã sống nhờ vào đủ thứ nghề như vậy đó.

Ba tôi thổi sáo rất hay, ông có một cây sáo bằng tre tuyệt đẹp. Nghề làm ống sáo ra đời nhưng không phải sáo tre mà sáo làm bằng ống nhựa trắng dùng để bọc dây điện. Ba và anh tôi mua màu về pha để vẽ họa tiết lên cây sáo. Anh tôi vẽ đẹp lại khéo tay nên được giữ trọng trách thiết kế màu sắc, còn ba tôi đục lỗ trên ống sáo điều chỉnh âm thanh cây sáo cho đúng âm vực. Thời gian đó, sáo mà ba tôi gởi bán ở các nhà sách khá chạy vì có những hoa văn ngộ nghĩnh. Cả gia đình sống nhờ nghề ấy khá lâu nhưng rồi bị người ta bắt chước, cạnh tranh và ế dần.

Vì kế sinh nhai của các con, ba tôi tìm tòi học hỏi đâu đó cách làm thuốc lá. Thuốc lá sợi mua về, ba ướp thuốc, sao thuốc, khuôn đóng bao thuốc, ba tôi cũng tự làm. Thời ấy, người ta cấm làm thuốc lá, muốn làm thì chỉ có làm “chui” từ 21 giờ đến 3 giờ sáng… Rồi ba tôi gặp ông bạn, chú rủ ba tôi bán và sửa ống nước. Ba tôi bắt đầu đi bán dạo. Lần đầu nghe tiếng rao của ba, nước mắt tôi ứa ra, thương ba quá đỗi. Dần dần tay nghề khá hơn, ba tôi lãnh những công trình ở xa, lúc Vũng Tàu, lúc Campuchia. Có lẽ công việc tay chân vất vả so với sức vóc của ba. Hậu quả ba tôi đã phải nhập viện…

Ngày… tháng… năm

Bác sĩ mời người nhà vào và khuyên nên đưa ba tôi về. Chỉ vài ngày không gặp, nhìn ba, tim tôi đau nhói, nước mắt cứ thế tuôn rơi. Người gầy trơ xương, chân tay sưng to, nhiều chỗ bị lở loét, thở bằng ống, ăn cũng bằng ống và ông không còn nói được nữa.

Ngày… tháng… năm

Đi làm về, qua thăm ba với hy vọng ước gì ba nói được. Nhưng tất cả chỉ là mơ ước.

Ngày… tháng… năm

Vẫn qua nhìn ba, anh em gặp nhau bàn chuyện hậu sự cho ba. Buồn…

Ngày… tháng… năm

Khi viết lại những gì về ba tôi, nước mắt lại lăn dài trên má. Ngoài trời mưa vẫn rơi và trong lòng tôi, ba vẫn mãi như ngày nào… Ba ơi!

Bích Vy

Tin cùng chuyên mục