Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Nghệ An, toàn tỉnh có 5.250 nhà dân bị ngập, trong đó huyện Nghi Lộc 100 nhà, huyện Hưng Nguyên 150 nhà, TP Vinh 5.000 nhà... Riêng TP Vinh có 4 nhà bị đổ, khoảng 700 hộ dân tại phường Trung Đô và Bến Thủy phải sơ tán dân. Đê kênh Thấp tại xóm 3, xã Hưng Đạo (huyện Hưng Nguyên) bị nước tràn khoảng 1,5km, đe dọa khoảng 2.500 hộ dân.
Ngoài ra, trên địa bàn Nghệ An cũng đã xảy ra hiện tượng thời tiết bất thường, đặc biệt là dông sét. Trên đường đi học về, 5 nữ sinh lớp 9 ở xã Hưng Đạo (huyện Hưng Nguyên) bị sét đánh phải nhập viện cấp cứu. Sét cũng đánh anh Nguyễn L., tạm trú tại xã Kim Liên (huyện Nam Đàn) tử vong. Ngoài ra, mưa lũ cũng đã cuốn trôi, gây tử vong 1 cháu bé 2 tuổi ở huyện Thanh Chương, một người đàn ông ở xã Hưng Lộc (TP Vinh).
Ngày 17-10, thầy Nguyễn Trường Giang, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, hiện vẫn còn 9 trường học với khoảng 1.983 học sinh từ bậc mầm non đến tiểu học, THCS trên địa bàn phải nghỉ học do ảnh hưởng mưa lớn những ngày qua khiến đường giao thông từ nhà đến trường bị ngập lụt gây chia cắt cục bộ.
Thông tin cập nhật từ Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cho biết, trong ngày 17-10, ở các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên vẫn có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to. Như vậy, vùng mưa lũ sẽ lan từ Bắc Trung bộ xuống Trung Trung bộ. Đến đêm 18-10, vùng mưa lớn ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có xu hướng giảm dần. Còn mưa lớn ở khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa tiếp tục kéo dài đến hết ngày 19-10 mới giảm.
Dự báo dài hạn cho khu vực Trung bộ và Tây Nguyên, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia nhận định, từ nay đến tháng 12-2019, trên các sông ở Trung Trung bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên sẽ là thời kỳ lũ chính vụ, dòng chảy trên các sông có xu thế tăng dần. Trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 3 - 4 đợt lũ vừa; các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An có khả năng xuất hiện 1 - 2 đợt lũ nhỏ. Đỉnh lũ năm 2019 trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức báo động 2 đến 3, tương đương trung bình nhiều năm; trên một số sông suối nhỏ và thượng lưu các sông vẫn có khả năng xuất hiện lũ lớn. Tuy nhiên, sau các đợt lũ thì tính chung, lượng dòng chảy trên các sông ở Trung bộ và khu vực Tây Nguyên vẫn phổ biến thấp hơn trung bình cùng kỳ 10% - 35%, một số sông thấp hơn 50%.