Cả khán phòng im phăng phắc, tiếng sáo diều vi vu rồi tiếng nhạc cất lên khiến hàng trăm cặp mắt thơ trẻ tò mò dán chặt vào sân khấu. Có em xem không chớp mắt, có bạn mải mê đến mức làm rơi cả ba lô từ lúc nào không hay.
Lần đầu tiên, hàng trăm đoàn viên, học sinh tiểu học và THCS của quận 10 được thưởng thức một chương trình nghệ thuật khá đặc sắc do các diễn viên của Đoàn rối, Nhà hát nghệ thuật Phương Nam biểu diễn trên “sân khấu dã chiến” tại… Bảo tàng TPHCM.
Gắn kết cộng đồng
Cô bé Hà Kim Ngân, học sinh lớp 7 Trường THCS Sương Nguyệt Anh, quận 10, dè dặt ngồi ở hàng ghế cuối. Dáng người nhỏ, gầy nên thỉnh thoảng cô bé phải nhổm đứng dậy để xem cho rõ. Lần đầu tiên được xem múa rối khiến cô bé nôn nao cả đêm không ngủ được. Mấy ngày trước, Ngân đã theo rù rì xin các anh chị phụ trách Đội ở quận để được dẫn hai em gái đi cùng vì biết hai em cũng mê những con rối đáng yêu này. “Lần đầu được xem múa rối, em thích lắm. Em thích nhất là bạn dê con trong câu chuyện Dê con nhanh trí, vì bạn dê ấy thông minh, ngoan và biết nghe lời mẹ”, bé Kim Ngân cho biết. Giống như Kim Ngân, em Nguyễn Minh Khải, học sinh lớp 6 Trường THCS Sương Nguyệt Anh cũng chưa lần nào được xem múa rối trên sân khấu nên khi được hỏi, Minh Khải hào hứng nói liền một mạch: “Em rất thích bạn dê con thông minh và không thích cậu bé chăn cừu trong chuyện Cậu bé nói dối chút nào, vì cậu ấy hay nói dối và xí gạt mọi người để làm trò vui cho mình”. Sau những câu chuyện rối hấp dẫn, đầy kịch tính, các em còn được thi thố tranh tài qua phần đố vui có thưởng. Không khí thêm phần sôi động khi những cánh tay đồng loạt giơ cao khiến chú hề bối rối, không biết phải chọn ai. Những nhân vật từ thế giới cổ tích, các bản nhạc trong phim thiếu nhi, nhân vật trong phim và nhân vật hoạt hình là tâm điểm của các câu hỏi, giúp các bạn nhỏ có một ngày vui chơi thỏa thích và bổ ích. Thạc sĩ, đạo diễn Hoàng Duẩn, người luôn gắn bó với thiếu nhi lâu nay, cũng không quên giới thiệu đến các bạn nhỏ những kiến thức cơ bản nhất về rối đen, rối người, rối nước…
Học sinh xem biểu diễn múa rối tại Bảo tàng TPHCM.
Giáo dục từ các loại hình nghệ thuật
Nhiều năm qua, thông qua việc chọn lọc giới thiệu các chuyên đề về văn hóa nghệ thuật do Bảo tàng TPHCM khởi xướng, đã thật sự mang đến một luồng sinh khí mới, giúp nơi đây trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa hấp dẫn công chúng, nhất là giới trẻ. Có thể kể đến các chuyên đề như: Tìm hiểu nghệ thuật đờn ca tài tử, sân khấu cải lương, các nhạc cụ truyền thống, nghệ thuật ẩm thực Nam bộ, giới thiệu nghệ thuật hò Đồng Tháp… Bà Phạm Dương Mỹ Thu Huyền, Giám đốc Bảo tàng TPHCM cho biết, tiếp nối những chuyên đề văn hóa nghệ thuật, bảo tàng muốn đem đến các bạn thiếu nhi những “món ăn tinh thần” mới trong dịp hè. Múa rối là một trong những loại hình nghệ thuật độc đáo ở Việt Nam. Các tiết mục rối thường ngắn gọn, súc tích, thể hiện được sự sáng tạo, óc thẩm mỹ của các nghệ nhân dân gian. Thông qua các tuồng tích sẽ góp phần giáo dục về tinh thần yêu nước, đạo đức, lối sống cho đông đảo tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các em thiếu nhi - thế hệ mầm non tương lai của đất nước.
Nhằm gắn kết hoạt động của bảo tàng với các đơn vị tại TPHCM, đặc biệt trong công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, không riêng Bảo tàng TPHCM, nhiều bảo tàng ở TPHCM đã không ngại chọn những mô hình năng động, sáng tạo với mục tiêu xây dựng bảo tàng hiện đại và thân thiện, hướng đến cộng đồng và thu hút công chúng. Đặc biệt, trong điều kiện còn quá nhiều khó khăn, cơ sở vật chất yếu kém, kinh phí eo hẹp thì những cách làm này càng đáng khuyến khích.
MINH AN