
Ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu những năm qua tăng trưởng rất mạnh: Năm 2004 đạt 1,054 tỷ USD (tăng 87%), năm 2005 là 1,6 tỷ USD (tăng 44,2%), dự kiến năm nay là 2 tỷ USD và cùng với dầu thô, dệt-may mặc, giày dép, thủy sản trở thành một trong những ngành xuất khẩu chủ lực. Nhưng bài toán đặt ra là làm thế nào giải quyết ổn định nguồn nguyên liệu chế biến khi phải nhập khẩu 80%.
Ra nước ngoài lập kho ngoại quan và xây dựng nhà máy
Ông Trần Quốc Mạnh - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và đồ gỗ TPHCM cho biết, những khu rừng trồng ở Mỹ, Canada, Nam Phi, Úc, New Zealand… đang được các DN chế biến gỗ trong nước nhắm đến bởi rừng ở đây được trồng theo phương thức công nghiệp, sản lượng gỗ khai thác cao, có giấy chứng nhận quốc tế về rừng FSC (Forest Stewardship Council). Hiện nay đang manh nha xu hướng một số DN mua hẳn một khu rừng đang đến kỳ khai thác rồi vận chuyển về VN và phân phối lại cho DN trong nước và cả các nước trong khu vực.

Xí nghiệp Xuất khẩu lâm sản 1 Sadaco nhập gỗ thông để sản xuất bàn ghế xuất khẩu. Ảnh: THÀNH TÂM
Sau nhiều năm thâm nhập thương trường nước ngoài, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch HĐQT Viettrancimex chọn Nam Phi làm nơi nhập khẩu nguồn gỗ nguyên liệu lâu dài. Ông liên kết với hai DN ở Bình Dương, Hà Nội và được sự hỗ trợ vốn của ngân hàng đã mở chi nhánh tại TP cảng Elizabeth (Nam Phi), xây dựng kho ngoại quan rộng 1,5 ha nhằm phục vụ cho việc “mua rừng” và khai thác, sơ chế gỗ rừng trồng (có chứng chỉ FSC) của Nam Phi và gỗ rừng tự nhiên của các nước lân cận đưa về VN chế biến.
Với kho ngoại quan cùng hệ thống nhà xưởng và dây chuyền sơ chế gỗ tại nước bạn, Viettrancimex có khả năng khai thác và nhập khẩu về VN khoảng 300.000-360.000m3 gỗ/ năm với giá gỗ nhập rẻ hơn nhập khẩu gỗ thông thường khoảng 15%.Cách làm ăn này giúp hình thành các đầu mối nhập khẩu gỗ sơ chế lớn tập trung, giá thành hạ và chủ động được nguồn nguyên liệu nhập.
Ngoài việc ra nước ngoài mua rừng, nhiều DN còn xây dựng nhà máy chế biến gỗ ở nước ngoài, nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ và lao động giá rẻ, sau đó đưa về VN hoàn thiện khâu cuối cùng trước khi xuất khẩu. Ông Võ Trường Thành – Chủ tịch HĐQT Công ty Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (Bình Dương) cho rằng: “Đã đến lúc các DN Việt Nam ra nước ngoài đầu tư nhà máy chế biến gỗ như các DN của Trung Quốc, Singapore.. sang VN đầu tư. Chúng tôi đang xúc tiến xây dựng một nhà máy chế biến gỗ ở Lào, nơi có nguồn nguyên liệu gỗ dồi dào với công lao động khá rẻ, với tổng vốn đầu tư khoảng 2 triệu USD”.
Theo Bộ Thương mại, hiện nay khoảng 80% nguyên liệu gỗ phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến gỗ tương ứng với 1 triệu mét khối gỗ nguyên liệu được nhập về VN mỗi năm. Đây là nguyên nhân chính khiến cho các DN trong nước vốn sẵn tiềm lực có ý tưởng tìm kiếm nguồn gỗ ở nước ngoài theo dạng “mua đứt” rừng trồng hoặc lập nhà máy chế biến ở nước ngoài.
Công ty liên doanh Sài Gòn- Đắc Lắc (Sadaco) vừa ký bản ghi nhớ với nhà cung cấp gỗ Canfor của Canada về việc đầu tư xây dựng kho ngoại quan gỗ ngay tại Việt Nam. Theo ông Trần Quốc Mạnh, Giám đốc Sadaco, đây là kho ngoại quan gỗ quy mô lớn đầu tiên tại VN với giá trị gỗ nguyên liệu cung cấp năm đầu tiên khoảng 30 triệu USD và khoảng 150 triệu USD trong 5 năm sau đó.
Hiện Sadaco đang tìm địa điểm, dự kiến khoảng 20 ha để xây dựng, Canfor sẽ cung cấp hạn mức tín dụng trả chậm cho các DN mua gỗ khoảng 30 triệu USD năm nay. Phía Canada có kế hoạch lập thêm một số nhà máy xử lý gỗ nguyên liệu đi kèm với kho chứa gỗ tại VN, ngoài ra còn huấn luyện kỹ thuật xử lý và chế biến gỗ cho các DN có nhu cầu.
Trồng rừng kinh tế, cách nhìn mới
Năm 2005, ngành chế biến gỗ xuất khẩu 1,6 tỷ USD, nhưng gỗ nguyên liệu nhập khẩu đã 667 triệu USD (bằng 44% kim ngạch xuất khẩu). Dự kiến năm nay kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ chế biến khoảng 2 tỷ USD và con số nhập khẩu gỗ nguyên liệu tròm trèm 1 tỷ USD. Do vậy, bên cạnh các “đại gia” đầu tư ra nước ngoài để chủ động nguồn nguyên liệu thì việc trồng rừng kinh tế trong nước là bài toán khả thi và căn cơ nhất để chủ động nguồn nguyên liệu.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát khẳng định, năm 2006 là năm khởi đầu trồng rừng kinh tế, khẩn trương rà soát lại để quy hoạch rừng trồng, mạnh dạn giao đất cho dân. Thực tế có 70% rừng bị phá hay bị cháy là của các nông lâm trường quốc doanh và 70% nguyên nhân cháy rừng là do làm nương rẫy. Vì vậy, năm 2006 phải tạo ra chuyển biến thật sự để hạn chế những nguyên nhân này.
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hứa Đức Nhị, trước nay chúng ta phân biệt: rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng kinh tế (rừng sản xuất). Nhưng thực tế mỗi khu rừng đều có cả 3 chức năng này. 12 triệu ha rừng hiện có đều có chức năng rừng phòng hộ, chống xói mòn, điều tiết nước…
Cách nhìn nhận mới về rừng hiện nay theo hướng: một là rừng rất xung yếu (được bảo vệ nghiêm ngặt), hai là rừng xung yếu (cho phép khai thác, nhưng ít) và ba là rừng ít xung yếu (có thể khai thác và trồng lại). Vì vậy, năm nay cần nhanh chóng rà soát lại quy hoạch đất, sắp xếp lại các nông lâm trường quốc doanh để giải quyết đất trồng rừng.
Mạnh dạn giao khoán cho doanh nghiệp
Nhà nước đã có chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng để phủ xanh đất trống đồi trọc từ năm 1998. Đây là chương trình có ý nghĩa rất lớn trong việc cung cấp nguồn gỗ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ. Nhưng so với mục tiêu đề ra, rừng trồng nguyên liệu chất lượng không cao, bị “rỗng ruột” hoặc thường xuyên bị cháy. Vì vậy, Thứ trưởng Hứa Đức Nhị nhấn mạnh, bảo vệ rừng không chỉ để bảo vệ cây mà còn phải nâng cao đời sống người dân, hướng dẫn người dân làm rừng.
Trong số 1.200 DN chế biến gỗ các loại, có khoảng 300 DN tham gia xuất khẩu gỗ, nhưng số DN đầu tư ra nước ngoài để mua nguyên cánh rừng hoặc đầu tư nhà máy như Trường Thành không nhiều. Phần lớn doanh nghiệp chế biến gỗ trông cậy vào việc nhập khẩu gỗ, nhưng về lâu dài, đây không phải là giải pháp căn cơ… Không chủ động được nguồn nguyên liệu sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất và việc ký kết hợp đồng với các khách hàng lớn, khó mở rộng thị trường.
Ông Trần Quốc Mạnh, Giám đốc Công ty Sadaco đề xuất, Chính phủ cần khuyến khích trồng rừng kinh tế, mạnh dạn giao khoán rừng cho các DN chế biến gỗ có đủ năng lực cạnh tranh. Từ đó, DN sẽ giao khoán lại cho người dân để tổ chức trồng. Nhà nước chỉ cần hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật trồng, bảo vệ và nhất là cơ chế rừng trồng thống nhất; hỗ trợ DN quản lý, chủ động khai thác, hiện đại hóa quy trình trồng rừng.
Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam kiến nghị Chính phủ và cơ quan chức năng tạo điều kiện cho DN được tham gia đầu tư trồng rừng nguyên liệu công nghiệp, như giao hoặc cho thuê đất trồng rừng, được vay vốn đầu tư dài hạn theo chu kỳ sản xuất, cũng như hỗ trợ xây dựng hạ tầng cho nghề trồng rừng (cây giống, phân bón…), mạnh dạn cho phép DN tham gia vào quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, từ đó tạo nguồn nguyên liệu bền vững.
C.PHIÊN-ĐỖ QUYÊN-M.THI