Thay đổi thói quen mua sắm
Chị Đặng Gia Hân (ngụ chung cư Thanh Đa, quận Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ, gần đây khi số ca nhiễm Covid-19 gia tăng, để tránh phải tới nơi đông người, chị đã chọn giải pháp “đi siêu thị” qua điện thoại nhằm đảm bảo an toàn cho chính mình và người thân. “Thay vì tới tận nơi chọn thực phẩm, tôi đã gọi siêu thị Co.opmart gần nhất và đưa danh mục các sản phẩm cần mua cho nhân viên bán hàng. Sau khi thử nghiệm khoảng một tuần nay, tôi thấy khá hài lòng với hình thức mua hàng này và sẽ duy trì để đảm bảo an toàn cho tới khi hết dịch”, chị Hân cho biết.
Cũng như chị Hân, chị Phạm Thủy (ngụ quận 7, TPHCM) đã chọn cách mua sắm an toàn nhất là gọi điện tới siêu thị, cửa hàng tiện lợi để mua những sản phẩm thiết yếu hàng ngày. Theo chị Thủy, rất nhiều bà nội trợ trong khu phố chị đều sử dụng hình thức này để tránh phải tới nơi đông người. Trên thực tế, hình thức bán hàng qua điện thoại đã được nhiều siêu thị triển khai từ lâu; tuy nhiên chưa có danh mục thực phẩm tươi sống, thiết yếu hàng ngày. Khi dịch xảy ra, nắm bắt xu hướng mua sắm tại nhà của người dân, các siêu thị đã tích cực hơn trong triển khai dịch vụ gọi điện đặt hàng và tăng cường các dịch vụ qua bán hàng trực tuyến.
Đại diện Saigon Co.op cho biết, bên cạnh đảm bảo nguồn hàng cung ứng, nhà bán lẻ này đã đẩy mạnh kênh mua sắm qua điện thoại, qua wesbite thương mại điện tử. Cụ thể, các siêu thị gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile… đều mở thêm dịch vụ nhận giao thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ thiết yếu, hóa phẩm qua phiếu đặt hàng. Theo vị này, phiếu đặt hàng có sẵn danh mục 3 nhóm hàng kể trên đã được triển khai từ ngày 16-3 và gửi đến tận nhà khách hàng. Để mua sắm, khách hàng chỉ cần chọn lựa theo danh mục và liên hệ siêu thị (gọi điện trực tiếp hoặc chụp hình gửi qua Zalo, viber, tin nhắn…) theo số điện thoại trên phiếu đặt hàng, hàng sẽ được đưa tới nhà. Hơn 800 điểm bán của của Saigon Co.op sẽ đảm nhiệm khâu tiếp nhận đơn hàng và tổ chức giao hàng đến địa chỉ theo yêu cầu.
Ngoài Saigon Co.op, các nhà bán lẻ khác là BigC, Lotte Mart, Emart… cũng đang triển khai hình thức này. Trong đó, BigC đã triển khai dịch vụ gọi điện đặt hàng qua số hotline tại 30 siêu thị trên toàn quốc, đồng thời sẽ giao tới tận nơi cho khách hàng. Theo BigC, điều kiện để siêu thị nhận các đơn hàng qua điện thoại là khách có hóa đơn mua hàng từ 200.000 đồng trở lên và giao trong phạm vi 10km. Còn Lotte Mart đã triển khai ứng dụng mua sắm trực tuyến Speed L để cung ứng thực phẩm tươi sống phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người tiêu dùng.
Chất lượng đảm bảo, doanh số tăng vọt
Theo nhiều người tiêu dùng, lâu nay họ thích mua sắm trực tiếp vì thói quen muốn nhìn và tận tay cầm vào sản phẩm. Nay, khi có dịch bệnh mới chọn tới giải pháp mua qua điện thoại hoặc đặt hàng online, song cảm thấy khá hài lòng vì hàng giao tới tận nhà vẫn đảm bảo chất lượng đúng yêu cầu.
Đại diện các siêu thị cho biết, trong kinh doanh, việc đảm bảo chất lượng hàng hóa, tạo uy tín và sự tin tưởng từ khách hàng là rất quan trọng. Chính vì thế, hàng hóa luôn được các siêu thị cam kết về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Để làm được điều này, Saigon Co.op đã có những tiêu chí kiểm soát nghiêm ngặt với nguồn hàng đầu vào từ các nhà cung cấp. Đặc biệt, với hàng thực phẩm tươi sống, tiêu chuẩn đầu vào của các mặt hàng này phải đáp ứng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn so với mặt bằng chung về yếu tố sản phẩm. Cụ thể là phải chuẩn hóa quy cách đóng gói và ghi nhãn sản phẩm, giúp việc bảo quản sản phẩm trong quá trình xếp dỡ, bảo quản, kiểm soát nguồn gốc sản phẩm chặt chẽ hơn.
Ghi nhận từ nhà bán lẻ Saigon Co.op cho thấy, kênh mua sắm qua điện thoại Co.opmart của Saigon Co.op đã đón tiếp hàng triệu lượt tương tác mỗi ngày và đơn hàng thông qua kênh giao dịch trực tuyến Co.opmart tăng gấp 10 lần so với ngày bình thường. Còn với Emart, ứng dụng Emartmall đã ghi nhận lượng đặt hàng tăng gấp 10 lần so với thời điểm chưa có dịch. Tương, tự ở BigC khu vực TPHCM, tính từ đầu tháng 3 đến ngày 12-3 đã có trên 1.000 đơn hàng đặt qua điện thoại. |