Dự báo trong vài ngày tới mực nước sông Cửu Long sẽ lên theo triều. Cụ thể, đến ngày 8-10, mực nước cao nhất tại Tân Châu lên mức khoảng 3,86m (dưới BĐ2 là 0,14m); tại Châu Đốc lên mức 3,57m (trên BĐ2 là 0,07m); tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long lên mức từ BĐ2 đến hơn BĐ2… Nguy cơ sẽ xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp và mất an toàn đê bao ở các tỉnh vùng lũ ĐBSCL. Dự báo, đỉnh lũ chính vụ năm 2018 xuất hiện vào khoảng giữa tháng 10, với mức cao hơn từ 0,40 - 0,80 m so đỉnh lũ năm 2017.
Tranh thủ mực nước lũ biến đổi chậm, những ngày qua, nông dân các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An… khẩn trương thu hoạch lúa chạy lũ, nhằm giảm nguy cơ bị thiệt hại.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Long An cho biết, toàn tỉnh gieo sạ hơn 22.927 ha lúa thu đông thì mấy ngày qua nông dân các huyện Tân Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh và thị xã Kiến Tường đã thu hoạch được 13.434 ha. Số diện tích còn lại sẽ cố gắng thu hoạch xong vào giữa tháng 10; trong số này có khoảng 3.590 ha lúa cần tiếp tục gia cố đê bao bảo vệ, không để ngập lũ…
Ông Mai Quốc Hậu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung (Đồng Tháp) cho hay: “Toàn huyện có khoảng 6.700 ha vườn cây ăn trái, trong đó có nhiều diện tích quýt hồng đặc sản - đây là loại cây không chịu được nước lũ làm ngập. Vì vậy, để đề phòng nước lũ đạt đỉnh cao trong thời gian tới, những ngay qua, ngành nông nghiệp huyện cùng chính quyền và nhà vườn liên tục gia cố đê bao bảo vệ vườn với hơn 45.000 gào đất, kinh phí gần 1 tỷ đồng…”.