(SGGPO).- Sáng 8-5, tại hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng rượu, bia, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia gây tai nạn giao thông hiện vẫn ở mức cao.
Cụ thể, nếu như tháng 1-2015, chỉ có 4,9% số vụ (2.114 vụ) liên quan đến sử dụng rượu bia, tháng 2 có 3,7% số vụ (1.916 vụ), thì tháng 3 đã tăng đến 6,87% số vụ (1.722 vụ) liên quan đến rượu bia. Từ ngày 15-12-2014 đến nay, lực lượng CSGT đã lập 35.370 biên bản vi phạm nồng độ cồn. Nhiều địa phương có kết quả xử lý cao là Tây Ninh, Đắc Lắc, TPHCM, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng…
Tuy nhiên, việc kiểm soát sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đại tá Nguyễn Hưu Dánh, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, khó khăn lớn nhất là thói quen sử dụng rượu bia trong giao tiếp, sinh hoạt, đặc biệt các dịp lễ, tết của người dân quá phổ biến. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng còn thiếu nhiều phương tiện để kiểm soát và xử lý nồng độ cồn. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng gặp nhiều cản trở khi thực thi nhiệm vụ, nhiều trường hợp không hợp tác, có hành vi chống đối, gây mất thời gian. Thực tế cũng cho thấy, nhiều địa phương chưa tập trung thực hiện chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn, tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến vi phạm nồng độ cồn vẫn còn xảy ra.
Đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho rằng, ở Úc, uống rượu bia khi lái xe (chưa gây tai nạn) sẽ bị phạt 5.000 USD và tù 18 tháng, ở Pháp tái phạm phạt tù 3 năm, tăng gấp đôi mức phạt, còn ở Việt Nam, mức phạt còn nhẹ, dễ “nhờn thuốc”. Vì vậy, nhiều ý kiến tại hội nghị cũng đồng tình với kiến nghị của đại diện WHO tại Việt Nam về việc nghiên cứu, sửa đổi những quy định của pháp luật theo hướng tăng nặng mức xử phạt đối với các vi phạm nồng độ cồn, vừa đủ sức răn đe vừa tạo ra thông điệp mạnh mẽ đến toàn xã hội. Cụ thể, việc xử phạt cần tận dụng tối đa hiệu lực của công cụ xử phạt hành chính nhưng không loại trừ xử lý hình sự đối với hành vi vi phạm nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội, ví dụ phạt tù đối với lái xe có nồng độ cồn trong máu lên tới 80mg/dl trở lên và phạt nặng hành vi tái phạm...
BÍCH QUYÊN