Vi phạm nối tiếp vi phạm là những gì chúng tôi ghi nhận được tại hàng loạt cửa hàng, trung tâm, siêu thị điện máy vừa và nhỏ trên địa bàn các quận Gò Vấp, Tân Bình (TPHCM). Do pháp luật không nghiêm, quản lý lỏng lẻo nên nơi nơi kinh doanh, nơi nơi vi phạm… Điều đó đã làm thất thu nguồn thuế không nhỏ của nhà nước. Vì sao nhà chức trách lại không “sờ gáy” những đơn vị sai phạm này?
Tem... tự chế!
Sau gần một năm quy định bắt buộc dán tem hợp quy (CR) có hiệu lực, đến giờ, gần như luật vẫn chưa đi vào cuộc sống. Bằng chứng, khi chúng tôi đến khảo sát tại các cửa hàng, siêu thị điện máy vừa và nhỏ, lỗi vi phạm khá giống nhau: dán tem CR photo trắng đen, hoặc xanh đỏ, vàng…
Theo quy định, 6 mặt hàng thuộc diện phải dán tem, gồm: dụng cụ điện đun nước nóng tức thời, dụng cụ đun nước nóng và chứa nước nóng; máy sấy tóc và dụng cụ làm đầu khác; ấm đun nước điện; nồi cơm điện và quạt điện. Nhiều sản phẩm được ghi rõ “sản xuất tại Trung Quốc” nhưng các nhân viên nói là hàng Đài Loan, Hồng Công… và quan trọng, tất cả đều không có tem CR đúng quy định. Nếu khách hàng “dí” tới nơi tới chốn thì nhân viên sẽ giải thích rằng công nghệ sản xuất của Nhật Bản, Hàn Quốc, Ý… (dẫn chứng các quốc gia tên tuổi trong lĩnh vực điện tử, điện máy), gia công sản phẩm tại Trung Quốc (!?).
Về tem CR, một nhân viên bán hàng điện tử trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình còn nói: “Chúng tôi chẳng rõ tem hợp quy CR để làm gì. Thấy bán sản phẩm từ trước tới nay không có tem này, khách vẫn mua nhiều mà…”. Như vậy, công sức của các cơ quan chức năng, đội ngũ khoa học, cơ quan thông tấn báo chí… tìm cách đưa tem CR vào cuộc sống gần như uổng phí. Trước đây, báo chí phản ánh rầm rộ những vi phạm về tem hợp quy, sau đó lại “chìm xuồng”. Sai phạm vẫn như cũ, không thấy cơ quan chức năng nào xử lý các đơn vị vi phạm.
Nhiều cửa hàng có tem tự dán, tự chế CR in công khai địa chỉ của nhà sản xuất, trung tâm kiểm định, cấp giấy phép in tem… nhưng những thông số đó đều giả tạo. Một cán bộ thuộc Trung tâm Kiểm định Đo lường chất lượng 3 (Quatest 3) thừa nhận: Trên thực tế, chúng tôi chỉ in tem CR cho số ít công ty. Không hiểu tại sao, nhiều sản phẩm của các công ty khác lại cứ chạy chữ Quatest 3.
Thất thu thuế
Từ thông tin bạn đọc phản ánh, chiều 2-8, chúng tôi lần lượt ghé một số siêu thị trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp như Trung tâm Mua sắm Tú Trinh 1 và 2 (chúng tôi tự đặt tên do 2 trung tâm cách xa nhau nhưng trùng địa chỉ là 2B-2C-2D Quang Trung - PV), Trung tâm Điện máy Đinh Huy Hoàng (37/8A Quang Trung)… đều không có khái niệm xuất hóa đơn VAT cho khách hàng.
Vào lúc 14 giờ 29 ngày 2-8, chúng tôi mua một bộ tô chén với giá 240.000 đồng tại Trung tâm Mua sắm Tú Trinh 1 nhưng cũng chỉ nhận được hóa đơn bán hàng màu hồng. Tương tự, khi chúng tôi mua bàn ủi Philips 1172 tại cơ sở 2 với giá 540.000 đồng, nhân viên ở đây chỉ giao phiếu nhận tạm ứng màu hồng. Trường hợp Trung tâm Điện máy Đinh Huy Hoàng cũng không ngoại lệ. Chúng tôi thanh toán 209.000 đồng cho chiếc chảo sâu Supor 28CM và nhận về… phiếu nhận tạm ứng. Có điều đặc biệt, sau khi giao hàng cho khách, các nhân viên đều khẳng định đã giao đủ hóa đơn! Trong khi đó, hóa đơn VAT khách hàng không hề được nhận.
Đã bán hàng không xuất hóa đơn, các đơn vị này cũng không niêm yết hóa đơn mẫu tại nơi bán hàng. Trong khi, Điều 11, Nghị định 51/2010/NĐ-CP ghi rõ: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh trước khi sử dụng hóa đơn cho việc bán hàng hóa, dịch vụ phải lập Tờ thông báo phát hành hóa đơn... và niêm yết ngay tại các cơ sở sử dụng hóa đơn để bán hàng hóa, dịch vụ trong suốt thời gian sử dụng hóa đơn”. Như vậy, lẽ ra các cửa hàng phải lập, dán sẵn hóa đơn mẫu để người mua hàng đối chiếu hóa đơn. Hình như vấn đề các cửa hàng quan tâm chỉ là thu tiền của khách, vì vậy các đơn vị chỉ dán dòng chữ “Quý khách kiểm tra lại tiền trước khi rời quầy giao dịch”.
Quy định xử phạt không niêm yết hóa đơn mẫu, không xuất hóa đơn cho khách... đều có. Nhưng không hiểu sao, các cửa hàng, trung tâm điện máy vừa và nhỏ ở nhiều nơi không bị xử lý, cũng chẳng ai tuyên tuyền, phổ biến luật nên chẳng biết pháp luật quy định những gì. Luật đã có, cơ quan quản lý nhà nước cần nghiêm minh, thực hiện nghiêm túc, nếu không sẽ khó tránh khỏi thực trạng xử lý kiểu “đầu voi đuôi chuột”. Lẽ nào trong quá trình xử phạt, Cục Thuế TPHCM lại có chính sách nương tay, bỏ qua cho những đơn vị kinh doanh thuộc “vùng xa” trung tâm TP?
Thi Hồng