Mỹ - Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác thương mại

Tờ Economic Times cho biết, Mỹ đã vượt Trung Quốc để trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Ấn Độ trong giai đoạn 2021-2022. Theo số liệu của Bộ Thương mại Ấn Độ, trong giai đoạn này, kim ngạch thương mại song phương giữa Mỹ và Ấn Độ đạt mức 119,42 tỷ USD. Trong khi đó, thương mại hai chiều giữa Ấn Độ và Trung Quốc đạt 115,42 tỷ USD.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Nhóm bộ tứ (QUAD) ngày 24-5 tại Tokyo
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Nhóm bộ tứ (QUAD) ngày 24-5 tại Tokyo

Xu hướng gia tăng

Xuất khẩu Ấn Độ sang Mỹ tăng lên 76,11 tỷ USD trong năm 2021-2022 từ 51,62 tỷ USD trong năm tài chính trước đó, trong khi nhập khẩu tăng lên 43,31 tỷ USD so với khoảng 29 tỷ USD trong năm 2020-2021. Các chuyên gia kinh tế tin rằng, xu hướng gia tăng thương mại song phương với Mỹ sẽ tiếp tục trong những năm tới cũng như New Delhi và Washington đang tham gia vào việc tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế.

Phó Chủ tịch Liên đoàn các tổ chức xuất khẩu Ấn Độ Khalid Khan cho biết, Ấn Độ đang nổi lên như một đối tác thương mại đáng tin cậy và các công ty toàn cầu đang giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc về nguồn cung cấp và đang đa dạng hóa kinh doanh sang các nước khác như Ấn Độ. Trong những năm tới, thương mại song phương giữa Ấn Độ và Mỹ tiếp tục phát triển.

Trong khi đó, Giám đốc Viện Quản lý cây trồng Ấn Độ tại bang Bangalore, ông Rakesh Mohan Joshi, cũng cho biết rằng Ấn Độ là quê hương của 1,39 tỷ người với thị trường tiêu dùng lớn thứ ba thế giới và nền kinh tế thị trường phát triển nhanh nhất với khối lượng tiêu dùng lớn mang lại cơ hội to lớn cho các công ty Mỹ và Ấn Độ để chuyển giao công nghệ, sản xuất, thương mại và đầu tư.

Chuyển động tích cực

Theo trang mạng Foreign Affairs, hơn 20 năm qua, Mỹ và Ấn Độ đã đều đặn mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác của họ bao gồm hầu hết mọi lĩnh vực từ quốc phòng, chống khủng bố đến y tế và giáo dục. Tuy nhiên, thương mại vẫn bị xem là điểm yếu trong hợp tác giữa 2 nước. Lưu lượng hàng hóa và dịch vụ giữa hai nước thấp hơn nhiều so với mức mà người ta trông đợi đối với hai nền kinh tế lớn nhất và lớn thứ 6 thế giới, đặc biệt khi xét tới những sự bổ sung về kinh tế và mối liên kết chặt chẽ được hình thành bởi các thành viên của cộng đồng người Ấn Độ ở Mỹ. 

Hơn nữa, giữa hai nước thường xuyên xảy ra các xung đột thương mại và tranh cãi dai dẳng. Những điều này một phần là do quan ngại từ lâu của Mỹ liên quan đến việc tiếp cận thị trường Ấn Độ và sự nhạy cảm của Ấn Độ đối với nhập khẩu nông sản và khả năng tiếp cận thị trường Mỹ của các chuyên gia có tay nghề cao. Điều này diễn ra gần đây nhất vào năm 2019, khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump chấm dứt việc coi Ấn Độ là bên thụ hưởng trong chương trình Hệ thống ưu đãi chung (GSP) - chương trình miễn thuế cho hàng ngàn sản phẩm nhập khẩu từ các nước đang phát triển. Để biện minh cho động thái này, Washington chỉ ra thực tế là New Delhi đã không đem lại cho Mỹ “quyền tiếp cận công bằng” vào thị trường nước này - một trong những tiêu chí để tham gia GSP.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, nhiệm vụ tăng cường thương mại giữa 2 nước tuy khó khăn nhưng không phải bất khả thi. Khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức cuộc gặp đầu tiên vào tháng 9-2021, ông Biden đã nói rằng quan hệ song phương Mỹ - Ấn Độ “chắc chắn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, gần gũi hơn và chặt chẽ hơn” và “có thể mang lại lợi ích cho toàn thế giới”. Với những chuyển động tích cực về hợp tác giữa Mỹ và Ấn Độ thời gian gần đây như Quốc hội Mỹ sẵn sàng nối lại GSP tạo động lực cho diễn đàn chính sách thương mại hai nước được hồi sinh…, Washington và New Delhi có thể củng cố vị thế địa chính trị của mình trên thế giới và tạo thêm động lực cho tăng trưởng và thịnh vượng của hai nướ.

Tin cùng chuyên mục