Sau gần 9 năm lâm trận tại Iraq, quân Mỹ bắt đầu triệt thoái hầu hết khỏi Iraq, chỉ còn lại chưa đầy 200 quân bảo vệ đại sứ quán và huấn luyện an ninh. Mục tiêu ban đầu của Mỹ là thiết lập một mô hình dân chủ kiểu phương Tây tại đất nước của nền văn minh Lưỡng Hà xem ra còn xa lắm.
Tổn thất lớn
Theo AFP, ngày 15-12, Mỹ đã tổ chức lễ hạ cờ tại Iraq, chính thức bắt đầu triệt thoái quân khỏi nước này. Buổi lễ đánh dấu việc đóng cửa các căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama có bài diễn văn ca ngợi “thành tựu đặc biệt” của cuộc chiến tranh tại đây.
Bài diễn văn của Tổng thống Obama đọc tại căn cứ không quân Fort Bragg ở bang North Carolina có đoạn: “Một trong những chương lịch sử đặc biệt của quân sự Mỹ sắp kết thúc. Tương lai của Iraq sẽ nằm trong tay người dân Iraq. Cuộc chiến tranh của Mỹ tại đây đã kết thúc”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đang ở Afghanistan sẽ tới Iraq tham dự các hoạt động hạ cờ Mỹ tại các căn cứ quân sự. Ông Panetta cho rằng Mỹ đã cố gắng rất nhiều để hoàn thành mục tiêu “tạo dựng một Iraq có chủ quyền và độc lập, có khả năng điều hành và đảm bảo an ninh cho chính họ”. Ông Panetta thừa nhận rằng Iraq vẫn đang đối mặt với nguy cơ khủng bố, thách thức từ các thế lực muốn chia rẽ đất nước, từ nền dân chủ mới nhưng theo ông thì: “Chúng ta (Mỹ) đã trao cho họ cơ hội để thành công”.
Bất chấp một chính phủ chia sẻ quyền lực giữa người Hồi giáo Sunni, người Shiite và người Kurd, vẫn còn nhiều vụ tranh giành quyền lực giữa các phe phái. Các vụ nổ bom và tấn công vẫn còn xảy ra hàng ngày mặc dù có giảm hơn trước. Người dân Iraq lo ngại những xung đột tiềm tàng giữa 3 sắc tộc trên và cả các hoạt động bạo loạn liên quan đến Al-Qaeda sẽ có cơ hội bùng lên sau khi Mỹ rút đi.
Thêm vào đó, nền kinh tế Iraq vẫn yếu ớt, thiếu điện, thiếu việc làm và tình trạng dân chúng bất mãn với các nhà chính trị ngày càng tăng làm cho những lo ngại của người dân Iraq có thêm cơ sở.
Cảm giác bất an
“Hình ảnh duy nhất còn đọng lại trong tôi trong gần 9 năm qua là cái chết của hai anh và người chị dâu, họ chết vì trúng bom”, Reuters dẫn lời chị Zahora Jasim. Chị Jasim e ngại những khó khăn của Iraq chưa hết và như nhiều người dân Iraq khác, chị tự hỏi liệu nền dân chủ yếu ớt tại Iraq có đổ vỡ để rồi đất nước này rơi vào tình trạng cát cứ hay không. Chị nói: “Tôi nghĩ rằng mọi việc sẽ không thay đổi. Vẫn sẽ tiếp tục có nhiều vụ nổ bom, ám sát và chính phủ sẽ không thể làm gì”.
Sự kiện Mỹ triệt thoái quân khỏi Iraq đã đem lại nhiều cảm xúc khác nhau với người dân. Một số cảm thấy biết ơn Mỹ vì đã lật đổ Saddam Hussein. Số khác cảm thấy chủ quyền Iraq bị xâm phạm nghiêm trọng và cảm thấy buồn vì mất người thân cũng như ký ức không tốt về các vụ bê bối của quân Mỹ, trong đó có những vụ ngược đãi tù nhân tại nhà tù Abu Ghraib.
Tại Falluja, trung tâm của người Sunni và là nơi hoạt động của các tổ chức thân Al-Qaeda, thường xuyên có những vụ tấn công khủng bố, Mỹ đã phải tăng quân và cả máy bay chiến đấu hỗ trợ để dập tắt bạo động. Nhiều người dân nơi đây cho rằng khi tấn công Iraq, Mỹ nói mang đến an ninh, ổn định và giúp xây dựng Iraq nhưng giờ đây, họ rút quân, bỏ lại cảnh hoang tàn, chết chóc và một tình trạng an ninh đầy bất trắc.
| |
Khánh Minh