Mỹ - châu Âu mâu thuẫn về khoản hỗ trợ tín dụng thuế xe điện

Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ lo ngại trước chương trình hỗ trợ tín dụng thuế của Mỹ dành cho xe điện, vì cho rằng chương trình này mang tính phân biệt đối xử với các hãng sản xuất xe châu Âu. 

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC) Miriam Garcia Ferrer nêu rõ: “Chúng tôi nghĩ rằng chương trình này mang tính phân biệt đối xử đối với các hãng sản xuất ô tô nước ngoài... Và dĩ nhiên, chương trình này không phù hợp với quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)”. EU bày tỏ quan ngại trên sau khi Thượng viện Mỹ ngày 7-8 đã thông qua dự luật khí hậu và năng lượng sạch, trong đó có chương trình ưu đãi thuế 7.500USD cho mỗi người dân mua xe điện của một nhà máy ở Bắc Mỹ có lắp đặt pin do Mỹ sản xuất.  Động thái này diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang tìm cách giảm phụ thuộc về nguồn cung vào Trung Quốc, nước sản xuất pin Lithium cho xe điện lớn nhất thế giới. 

Xe điện tại Mỹ 
Dự luật được Tổng thống Mỹ Joe Biden, Liên đoàn Lao động ngành ô tô (UAW) và nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ ủng hộ, nhưng vấp phải chỉ trích từ các nhà sản xuất ô tô quốc tế như: Toyota Motor Corp, Volkswagen AG, Daimler AG, Honda Motor Co, Hyundai Motor Co và BMW AG. Đề xuất ưu đãi thuế xe điện sẽ có tổng giá trị 15,6 tỷ USD trong 10 năm và mang lại lợi ích lớn cho 3 nhà sản xuất ô tô lớn của Mỹ gồm General Motors, Ford Motor và Stellantis NV - công ty mẹ của Chrysler và đang thực hiện lắp ráp ô tô tại Mỹ.

Theo EU, chương trình này sẽ gây bất lợi nghiêm trọng cho các hãng sản xuất ô tô không phải của Mỹ, trong khi châu Âu đang đặt mục tiêu đẩy mạnh hoạt động sản xuất pin xe điện trong nỗ lực hướng tới trung hòa carbon trong tương lai. Bà Garcia Ferrer nêu rõ: “Trong khi ưu đãi thuế là động lực quan trọng thúc đẩy nhu cầu sử dụng xe điện, chúng ta cần đảm bảo rằng các biện pháp được áp dụng phải công bằng”. 

Bà Garcia Ferrer cho biết, EU tiếp tục kêu gọi Mỹ dỡ bỏ chương trình mang tính phân biệt đối xử này ra khỏi dự luật để đảm bảo tuân thủ quy định của WTO. Phía Mỹ thì cho rằng, nếu không nhận được tín dụng thuế, EV trở nên đắt hơn với người tiêu dùng Mỹ và điều này có thể tác động đến nhu cầu và doanh số bán. Điều đó cũng có thể làm chậm quá trình hướng tới mục tiêu của Tổng thống Joe Biden là đưa xe điện và xe động cơ lai chiếm một nửa tổng số xe bán ra vào năm 2030. 

Giới chức phụ trách thương mại của EU cũng từng phản đối dự luật trên, cho rằng dự luật có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng xuyên Đại Tây Dương. Cảnh báo của EU được đưa ra khi EU và Mỹ vẫn nỗ lực để giảm bớt căng thẳng thương mại trong lĩnh vực hàng không dân dụng và thép, nhôm sau một thời kỳ xung đột gia tăng trong chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, với mâu thuẫn về khoản tín dụng hỗ trợ thuế dành cho xe điện của Mỹ, nhiều khả năng hai bên sẽ khó xích lại gần nhau hơn trong vấn đề thương mại.

Dự luật cũng chưa nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong giới sản xuất ô tô tại Mỹ. Theo Giám đốc điều hành Liên minh đổi mới ô tô John Bozzella, 70% mẫu xe điện được tiêu thụ tại Mỹ sẽ không đủ điều kiện để nhận tín dụng thuế do các linh kiện được sử dụng. Một phân tích của Văn phòng Ngân sách Quốc hội trong tháng 8-2022 cho thấy, chỉ 11.000 chiếc EV mới sử dụng tín dụng thuế vào năm 2023. Ông John Bozzella kêu gọi Mỹ mở rộng quy định về pin xe điện, trong đó có cả pin xe điện được sản xuất từ những nước ký các thỏa thuận quốc phòng với Mỹ, như các nước thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Nhật Bản và các nước khác.

Tin cùng chuyên mục