Khó lôi kéo đồng minh
Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ, một trong những chủ đề quan trọng trong chương trình nghị sự của ông Blinken tại châu Âu là mối quan tâm về quan hệ với Nga. Trong cuộc họp báo trước khi tới Brussels, ông Philip Reeker, quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, cho biết, chính quyền ông Biden đang tìm kiếm một mối quan hệ có thể đoán trước và ổn định hơn với Nga.
Ông Reeker nói: “Chúng tôi sẽ cùng với đồng minh thảo luận về các quan điểm khác nhau với Nga cũng như cách chúng tôi hợp tác với Nga nhằm thúc đẩy lợi ích tập thể”. Mặc dù vậy, ông Reeker cho rằng “Nga vẫn đang đặt ra nhiều thách thức” cho Mỹ và các đồng minh.
Theo hãng tin Sputnik, Ngoại trưởng Mỹ Blinken coi các cuộc họp cấp bộ trưởng của NATO là cơ hội để thảo luận về tầm nhìn của NATO đến năm 2030, trong đó có chính sách với Nga. Các bình luận của Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây cho thấy ông sẽ theo đuổi chiến lược “giảm tương tác với Nga”. Đây cũng là tín hiệu ông Biden muốn nhắn gửi cho các nhà lãnh đạo G7 và các nước thành viên NATO rằng họ nên giảm thiểu các cuộc tiếp xúc với Nga.
Tuy nhiên, theo tờ The Moscow Times, mỗi đồng minh của Mỹ sẽ đưa ra quyết định của riêng mình. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vẫn chưa hủy chuyến thăm Nga và vẫn mong muốn được làm bạn với Nga. Ông Macron cũng khẳng định châu Âu giờ đây có thể “tự chủ về chiến lược” mà không cần phải lệ thuộc vào Mỹ. Đức cũng đã làm ngơ trước các cảnh báo của Mỹ về đường ống dẫn khí đốt nối Nga và Đức, được gọi là Nord Stream 2.
Giảm cấp đối thoại với Nga?
Căng thẳng giữa Mỹ và Nga trong những ngày gần đây xoay quanh quan hệ cá nhân giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Vladimir Putin cùng các vấn đề như Crimea, can thiệp bầu cử, hợp tác về cắt giảm vũ khí…
Ông Biden “hứa” sẽ có các biện pháp trừng phạt mới với Nga trong tương lai gần để đối phó với điều mà Washington gọi là “sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020”.
Moscow đã triệu hồi Đại sứ Nga tại Washington để tham vấn “nhằm phân tích những việc cần làm và hướng đi trong quan hệ với Mỹ”. Nếu tình hình xấu thêm, Đại sứ Nga có thể ở lại Moscow vô thời hạn.
Theo tờ The Moscow Times, giới phân tích Nga cho biết, trước mắt sẽ không có khả năng hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ sẽ gặp mặt trực tiếp bất cứ lúc nào. Họ có thể không gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ngay cả nếu được tổ chức trực tiếp thay vì trực tuyến (dự kiến diễn ra vào ngày 30 và 31-10 tại Rome, Italy).
Cũng sẽ không có hội nghị thượng đỉnh của 5 quốc gia thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc như Tổng thống Putin từng đề xuất và sẽ không có hội nghị thượng đỉnh song phương như Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump từng gặp Tổng thống Vladimir Putin ở Helsinki.
Về phía Nga, hiện tại Moscow sẽ theo đuổi chính sách đối thoại hạn chế với Mỹ do “cuộc tấn công của ông Biden”. Tuy nhiên, Nga vẫn chưa từ bỏ hy vọng thiết lập một cuộc đối thoại ổn định với Mỹ về kiểm soát vũ khí và hợp tác về an ninh không gian mạng. Dù sao, Nga và Mỹ vẫn duy trì quan hệ ở cấp thấp hơn. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tiếp tục đối thoại và làm việc với Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev.
Ông Sullivan gọi điện cho ông Patrushev hàng tháng và đang có kế hoạch để hai người gặp nhau trực tiếp. Đồng thời, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã mời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tham dự một hội nghị về Afghanistan vào tháng 4 tới.