Mỹ-Iraq bất đồng trong cuộc chiến chống IS

Theo Tân Hoa xã, ngày 19-11, Bộ trưởng Quốc phòng Iraq Khalid al-Obiedi lên tiếng phản đối phương án sử dụng lực lượng bộ binh nước ngoài tại Iraq trong cuộc chiến chống lại lực lượng Tổ chức nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Mỹ-Iraq bất đồng trong cuộc chiến chống IS

Theo Tân Hoa xã, ngày 19-11, Bộ trưởng Quốc phòng Iraq Khalid al-Obiedi lên tiếng phản đối phương án sử dụng lực lượng bộ binh nước ngoài tại Iraq trong cuộc chiến chống lại lực lượng Tổ chức nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Iraq muốn tự chủ

Bộ trưởng Quốc phòng Iraq cho biết quân đội nước này sẽ kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động trên bộ. Theo ông Obiedi, mặc dù lực lượng liên quân quốc tế đã tiến hành nhiều đợt không kích nhằm vào các mục tiêu của IS tại miền Bắc và miền Tây Iraq nhưng hầu hết các đợt không kích có hiệu quả đều do lực lượng không quân Iraq tiến hành.

Lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu ném bom tại Kobani, Syria.

Tuyên bố này được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết sẽ triển khai lực lượng chiến đấu trên mặt đất đến Iraq để chiến đấu chống lại IS nếu lực lượng này sở hữu vũ khí hạt nhân. Kể từ khi bắt đầu chiến dịch chống IS ở Iraq và Syria, Tổng thống Obama đã gửi 1.600 binh sĩ tới Iraq và hứa hẹn sẽ triển khai thêm 1.500 binh sĩ nữa. Tuy nhiên, tất cả những binh sĩ này chỉ làm nhiệm vụ cố vấn cho lực lượng an ninh Iraq chứ không trực tiếp tham gia chiến đấu chống IS.

Cho đến thời điểm này, các quan chức Mỹ vẫn chưa phát hiện thấy dấu hiệu nào chứng tỏ IS sở hữu hoặc có thể dễ dàng đạt được vũ khí hạt nhân. Tuần trước, tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ tuyên bố Lầu Năm Góc đã chuẩn bị sẵn sàng cho khả năng triển khai lực lượng chiến đấu mặt đất đến Iraq chống IS.

Trong bối cảnh hiện có nhiều ý kiến cho rằng Mỹ nên đưa quân đến Iraq tham chiến thay vì chỉ làm cố vấn đã buộc chính quyền Washington buộc phải tính toán lại kế hoạch chống lại IS. Tuy nhiên, trái với quan điểm của Mỹ, Chính phủ Iraq đã thể hiện thái độ phản đối kịch liệt. Hành động này cho thấy hai quốc gia vốn là đồng minh vẫn còn bất đồng trong kế hoạch trong cuộc chiến chống lại lực lượng khủng bố nguy hiểm nhất toàn cầu.

Vũ khí đủ chiến đấu trong 2 năm

Cùng ngày, Guardian dẫn báo cáo mới nhất của LHQ cho biết kho vũ khí hiện tại của IS đủ để chiến đấu đến 2 năm nữa tại Syria và Iraq. Theo báo cáo này, kho vũ khí của IS được thiết kế có độ bền, tính di động cao và được bảo vệ để nhằm hạn chế sự tấn công của các máy bay tầm thấp. Ngay cả các chiến dịch ném bom của Mỹ đang diễn ra cũng chỉ giảm thiểu được một phần khối lượng lớn vũ khí mà IS sở hữu . Kho vũ khí bao gồm xe tăng T-55 và T-72, máy bay, tên lửa tầm ngắn đất đối không, tên lửa vác vai có được do đánh cắp từ quân đội Iraq và cả của quân đội Syria.

LHQ cũng không loại trừ khả năng IS sẽ sản xuất vũ khí hóa học và vũ khí hủy diệt hàng loạt. Trước đó, đã có báo cáo về các trường hợp da của người dân bị phồng rộp, bỏng rát mắt và khó thở sau vụ nổ bom do IS gây ra ở thị trấn Kobani ở Syria.

Tính đến đầu tháng 11, Liên quân do Mỹ dẫn đầu ném bom nhiều mục tiêu được cho của IS ở Iraq và Syria, tuy nhiên vẫn chưa đẩy lùi được lực lượng này.

THANH HẰNG (tổng hợp)

Theo thông báo của Nhà Trắng, Tổng thống Obama vẫn quyết tâm phản đối việc trả tiền chuộc cho những tổ chức khủng bố đang giữ con tin để tránh những rắc rối về lâu dài. Mùa hè vừa qua, ông Obama đã chỉ thị xem xét lại chính sách này sau khi ngày càng có nhiều người Mỹ bị IS và các nhóm phiến quân khác bắt cóc. Hôm 16-11, con tin người Mỹ Peter Kassig đã bị phiến quân thuộc IS chặt đầu.

Còn tại Pháp, ngày 19-11, Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định đã nhận dạng được 2 công dân Pháp có mặt trong đoạn băng hình mà IS công bố hôm 16-11, trong đó ghi lại cảnh nhóm này chặt đầu 18 tù nhân Syria và Kassig

HẠNH XUÂN

Tin cùng chuyên mục