Mỹ thuật trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh: Hài hòa, mang bản sắc TPHCM

Cần có giải pháp phù hợp để người dân đồng lòng, chủ động tham gia và thụ hưởng được các giá trị, lợi ích của việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, hài hòa bản sắc dân tộc - bản sắc TPHCM và tư tưởng của Người.
Tượng đài Bác Hồ cùng không gian phố đi bộ Nguyễn Huệ trở thành điểm nhấn quan trọng ở trung tâm TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Tượng đài Bác Hồ cùng không gian phố đi bộ Nguyễn Huệ trở thành điểm nhấn quan trọng ở trung tâm TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trở thành mục tiêu và động lực phấn đấu của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân TPHCM. Trên thực tế, một số đơn vị vẫn nghĩ đơn giản rằng, nơi nào có tượng hay ảnh chân dung Bác Hồ thì ấy là Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Điều này vô tình hình thành lối nghĩ hời hợt, hình thức và nặng về tuyên truyền, bỏ quên chiều sâu của không gian vật lý; chưa tạo thành một di sản văn hóa và di tích văn hóa đúng nghĩa, trọn tình.

Điểm đến nhiều giá trị

Mỹ thuật trong không gian công cộng chính là nét đẹp văn hóa thẩm mỹ của mỗi đô thị, vùng miền. Nó là điểm tiếp cận đầu tiên với cộng đồng, du khách khi đến một địa phương, khu vực, đất nước và thể hiện rõ trình độ dân trí, sự phát triển của đô thị, vùng miền đó. TPHCM là nơi hội tụ nhiều dòng chảy nghệ thuật, là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ... Hơn tất cả, nơi đây lưu đậm hình ảnh người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước từ Bến Nhà Rồng; nơi được mang tên Bác Hồ khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước năm 1975, và là tiền đề xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh như trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI đã đề ra.

GS-TS Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, nói: “Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI đưa ra Nghị quyết Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh nhằm phát huy nội lực, những đặc trưng về vùng đất, văn hóa, con người..., xây dựng TPHCM phát triển bền vững, giàu mạnh, năng động, sáng tạo, nghĩa tình, xứng đáng với thành phố mang tên Bác. Điều đó đồng nghĩa với sự phát triển song hành, ngang bằng giữa kinh tế và văn hóa, giữa vật chất và tinh thần cho người dân thành phố. Như vậy, việc Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở TPHCM sẽ có 3 thành tố quan trọng hợp thành, đó là: Văn hóa (nền tảng) + TPHCM (không gian địa lý) + Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (học tập và làm theo)”.

Theo nhiều chuyên gia, không gian văn hóa gắn với một cộng đồng dân cư cụ thể, với những đặc điểm về dân số, trình độ, điều kiện kinh tế, tập quán, tôn giáo, dân tộc... Đây là các yếu tố hết sức quan trọng để tạo nên bản sắc của một không gian văn hóa, đặc trưng riêng của mỗi vùng miền, đô thị...

TPHCM với đặc trưng là vùng đất hội tụ nhiều dòng chảy văn hóa, sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống dân tộc với những nét văn hóa trong và ngoài nước, góp phần hình thành lối sống, tính cách con người thành phố.

GS-TS Trương Quốc Bình, Hội Di sản văn hóa Việt Nam, phân tích: “Tôi cho rằng, phong cách con người Sài Gòn - TPHCM cần được coi là một yếu tố phổ biến nhất, tiêu biểu nhất của Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Về mặt vật thể, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TPHCM bao gồm những công trình, địa điểm ngưng đọng mọi sự sáng tạo của con người trên địa bàn thành phố. Và để thu hút, tạo dấu ấn với cộng đồng dân cư, du khách của Không gian văn hóa Hồ Chí Minh - không gian văn hóa hòa bình, cần phát triển nghệ thuật công cộng theo xu hướng “trở về với tự nhiên” với những dự án không gian công cộng xanh trong bối cảnh đô thị hóa hiện nay”.

Từ trực tiếp tới trực tuyến

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế đa chiều, nhiều chuyên gia nhìn nhận: Cả thế giới đang đứng trước nguy cơ các đô thị đều na ná nhau. Nghệ thuật công cộng, với khả năng biểu thị sắc thái riêng của mình, rõ ràng là một giải pháp hữu hiệu góp phần giảm tải những nguy cơ nói trên. Nó là sản phẩm đặc trưng của những đô thị có mối quan tâm và sự đầu tư vào những giá trị văn hóa chung, khơi gợi nên những cảm thức tự hào về nơi chốn cho cộng đồng trong một đô thị.

Đẹp là yếu tố cần thiết cho một sản phẩm, hay công trình đô thị, nhưng sẽ là nhạt nhòa khi tiếp cận những dáng vẻ đẹp chung chung hời hợt, xa rời bản sắc văn hóa, hồn cốt dân tộc…

Họa sĩ Uyên Huy, nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, nhìn nhận: “Vẻ đẹp hay ấn tượng thị giác của không gian vật lý và công trình trong không gian đó, thường hiển thị qua nhiều hình thức và được cảm nhận thông qua người thụ hưởng như lộng lẫy, xa hoa, thanh lịch, trầm lắng, giản dị hay đẳng cấp bên ngoài. Những tính chất nói trên phải được giới mỹ thuật chủ động tiên liệu, chứ không phải xuất phát từ những tư duy và thể hiện cầu may. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải được coi là một công trình kiến trúc, một tác phẩm mỹ thuật với đầy đủ ý nghĩa, nét riêng và hy vọng rằng sau khi hoàn thành, công trình này phải trở thành một di sản văn hóa mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong thời đại Hồ Chí Minh. Vẻ đẹp của Không gian văn hóa Hồ Chí Minh cần được nghiên cứu thật sâu sắc để thấu hiểu về tính dân tộc, tính thời đại, tính khoa học, tính kinh tế và tính thẩm mỹ cho đến hiệu quả giáo dục... Mọi thứ đều phải thật cụ thể, chuyên biệt và khoa học”.

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng không gian phố đi bộ Nguyễn Huệ trở thành điểm nhấn quan trọng ở trung tâm TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng không gian phố đi bộ Nguyễn Huệ trở thành điểm nhấn quan trọng ở trung tâm TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Trong sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ, nền tảng mạng xã hội, bên cạnh không gian vật lý trực tiếp, không gian trực tuyến cũng là một thành tố quan trọng trong việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Anh Trần Trọng Nhân (quận 10, TPHCM), người quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, cho rằng, hiện nay, việc nhiều đơn vị, địa phương xây dựng không gian vật lý là điều cần thiết, tuy nhiên, cũng nên nghĩ tới các không gian trực tuyến, có tương tác. Đây là xu hướng tất yếu, tiếp cận được nhiều đối tượng ở mọi lứa tuổi hơn không gian vật lý hiện hữu.

PGS-TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM, cũng cho rằng: “Xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh nên chú ý cả không gian cố định, không gian mở và không gian trên mạng. Không gian trên mạng hiện nay là một trong những không gian quan trọng trong việc thông tin và định hướng cho mọi người dân. Chúng ta cần quy hoạch và thiết kế Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên mạng thật sinh động, gần gũi và chuyên nghiệp, bao gồm sự kết nối với không gian văn hóa cố định, không gian văn hóa mở (chọn các vệ tinh tiêu biểu cho các ngành, các lĩnh vực hoặc tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp) ở trung tâm, các quận, huyện và TP Thủ Đức”.

Có thể thấy, việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải đặt trong bối cảnh mới, với việc xác định quan điểm, mục tiêu rõ ràng, tất cả các Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên địa bàn thành phố phải được thiết kế, quy hoạch tổng thể một cách bài bản. Đồng thời, phát huy thế mạnh của cuộc cách mạng 4.0 để người dân ở bất cứ nơi đâu cũng có thể xem và học tập trực tuyến một cách dễ dàng. Qua đó, cần có giải pháp phù hợp để người dân đồng lòng, chủ động tham gia và thụ hưởng được các giá trị, lợi ích của việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, hài hòa bản sắc dân tộc - bản sắc TPHCM và tư tưởng của Người.

* GS-TS Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM: Tiếp biến và phát triển các nét đặc sắc thành giá trị riêng

TPHCM sẽ dần hình thành Không gian văn hóa Hồ Chí Minh với những đặc điểm, tính chất, giá trị riêng, gắn liền với các đặc điểm, tính chất, giá trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tư tưởng, đạo đức, phong cách, sự nghiệp... và của người dân thành phố mang tên Bác.

Trên cơ sở đặc điểm về điều kiện lịch sử, tập quán, kinh tế, văn hóa... của thành phố, với sự tiếp nối mấy ngàn năm dựng nước, giữ nước của ông cha ta và trên 300 năm mở cõi..., người dân TPHCM sẽ tiếp biến và phát triển các nét đặc sắc về tư tưởng, đạo đức, phong cách... của Chủ tịch Hồ Chí Minh để trở thành giá trị riêng của người dân thành phố.

* PGS-TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM: Xây dựng các điểm nhấn cho không gian

Tuyến phố đi bộ Nguyễn Huệ (từ Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến đường Tôn Đức Thắng, nhìn ra bến Bạch Đằng), kết hợp với Đường sách TPHCM (đường Nguyễn Văn Bình) là một trong những không gian mở lý tưởng, làm trung tâm cho việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TPHCM. Chúng ta cần cải tạo, nâng cấp và xây dựng các điểm nhấn bằng tượng công viên, tranh trang trí và các điểm sinh hoạt cộng đồng như: cụm panô quảng bá, tuyên truyền; các điểm ca nhạc ngoài trời dành cho các nhóm nhạc; các điểm giao lưu, gặp gỡ, nói chuyện, giới thiệu và vẽ tranh, ký họa...

Tin cùng chuyên mục