Năm 2016: TPHCM dự kiến tiêu thụ 70.000 tấn vải thiều

 ° Bắt đầu chiếu xạ vải thiều tại Hà Nội để xuất khẩu sang Australia
Năm 2016: TPHCM dự kiến tiêu thụ 70.000 tấn vải thiều

 ° Bắt đầu chiếu xạ vải thiều tại Hà Nội để xuất khẩu sang Australia

(SGGP). - Ngày 20-6 tại TPHCM, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND TPHCM, Bắc Giang và Hải Dương đã tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại các tỉnh, thành phía Nam năm 2016. 

Năm 2016: TPHCM dự kiến tiêu thụ 70.000 tấn vải thiều ảnh 1

Người tiêu dùng TPHCM mua vải thiều tại siêu thị. Ảnh: L.Đ

Đại diện 2 tỉnh Bắc Giang và Hải Dương cho biết, mặc dù sản lượng vải thiều trong năm 2016 có giảm so với năm 2015 (giảm 1.000 ha) nhưng chất lượng vải thiều năm nay cao hơn năm trước do các tỉnh chú trọng đến công tác khuyến khích, hỗ trợ người dân tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, mở rộng diện tích trồng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.

Tổng sản lượng vải thiều của 2 tỉnh ước đạt 170.000 tấn, giảm 65.000 tấn so với năm 2015. Hiện giá bán tại vườn khoảng 30.000 đồng/kg. Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp, việc đưa vải thiều vào phía Nam tiêu thụ vẫn gặp không ít khó khăn, chủ yếu là do chi phí vận chuyển khá cao và do chưa thực hiện tốt khâu bảo quản sau thu hoạch nên trái vải thường chỉ được tiêu thụ trong ngày. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trái vải ở các tỉnh phía Bắc chưa quan tâm đến bao bì, đóng gói và thương hiệu của sản phẩm nên người tiêu dùng chưa thể nhận biết được chất lượng cũng như sản phẩm của các vùng miền.

Để đẩy mạnh tiêu thụ trái vải tại TPHCM, đại diện Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TPHCM) cho rằng, để đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều tại các tỉnh phía Nam cần cùng nhau xây dựng chuỗi sản phẩm an toàn phục vụ đến người tiêu dùng. Ngoài việc mở rộng diện tích vùng trồng đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP thì cần nhất là phải xây dựng các sản phẩm có thương hiệu. Bởi lẽ khi có thương hiệu thì bắt buộc nhà sản xuất phải có trách nhiệm đảm bảo chất lượng sản phẩm, phục vụ người tiêu dùng và cộng đồng. Trong giai đoạn hiện nay, với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thì sản phẩm phải thật sự giúp người tiêu dùng an tâm khi sử dụng.

Tại hội nghị, các đơn vị phân phối tại TPHCM dự kiến sẽ tiêu thụ  cho nông dân tỉnh Bắc Giang và Hải Dương khoảng 70.000 tấn vải trong mùa vụ 2016, tăng 10% so với năm trước. Trái vải sẽ được tiêu thụ tại TP và các tỉnh, thành phía Nam qua các hệ thống siêu thị như: Co.opmart, BigC, Lotte, Satra… và các chợ đầu mối.

° Cùng ngày, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đã nhận được thông báo của Bộ Nông nghiệp và Thủy lợi Australia về việc chính thức công nhận Trung tâm chiếu xạ Hà Nội được phép xử lý chiếu xạ quả vải tươi xuất khẩu sang Australia. Theo Cục Bảo vệ thực vật, từ ngày 20-6, vải thiều xuất khẩu đi Australia sẽ được xử lý tại Hà Nội, không phải vận chuyển vào TPHCM như từ năm 2015 trở về trước, góp phần giảm giá thành và tiết kiệm thời gian vận chuyển vải thiều.

Theo quy định của Australia, để xuất khẩu trái vải tươi của Việt Nam vào thị trường Australia phải đảm bảo 5 yêu cầu gồm: vùng trồng phải được cấp mã số, lập và lưu lại hồ sơ, nhật ký sản xuất; bao bì và ghi nhãn, bao bì đóng gói vải xuất khẩu sang Australia phải đảm bảo hạn chế việc lây nhiễm sinh vật gây hại, kẽ hở hoặc lỗ thoáng phải nhỏ hơn 1,6mm. Về xử lý chiếu xạ, vải xuất khẩu đi Australia phải được xử lý tại các cơ sở chiếu xạ đã được Cục Bảo vệ thực vật công nhận, theo liều lượng quy định dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật của Việt Nam; lô vải xuất khẩu phải được kiểm dịch thực vật đáp ứng yêu cầu nhập khẩu của Australia và có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan kiểm dịch thực vật của Việt Nam cấp.

NHUNG NGUYỄN - VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục