Năm 2018 là năm cao trào về cổ phần hóa, bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Ngày 31-1, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, đã chủ trì cuộc họp giao ban tổng kết nhiệm vụ cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho thấy, số lượng DNNN đã giảm mạnh, từ hơn 6.000 DNNN ở năm 2011, nay chỉ còn hơn 500 DNNN, gồm 7 tập đoàn kinh tế, 57 tổng công ty nhà nước, 441 doanh nghiệp độc lập thuộc các bộ, ngành, địa phương. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chỉ còn hiện diện tại 11 ngành, lĩnh vực (năm 2001 là 60 ngành, lĩnh vực), tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh. Dự kiến đến năm 2020, cả nước chỉ còn khoảng 150 DNNN.

Các DNNN sau cổ phần hóa hầu hết đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Riêng năm 2017, có 69 DNNN được phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó có các doanh nghiệp quy mô vốn nhà nước trên 1.000 tỷ đồng. Chỉ tính riêng năm 2017, giá trị vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hóa được xác định lại là 160.083 tỷ đồng, gấp 6,34 lần so với tổng giá trị phần vốn nhà nước cổ phần hóa năm 2016.

Một đồng bán ra thu về được 15,52 đồng - đó là tình hình thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Cả nước đã thoái được 8.915 tỷ đồng theo giá trị sổ sách, thu về 139.385 tỷ đồng. Tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn phải nộp về ngân sách nhà nước năm 2017 đạt hơn 144.577 tỷ đồng (gấp 2,41 lần so với chỉ tiêu Quốc hội giao).

Còn về tình hình phát triển doanh nghiệp nói chung, năm 2017, số doanh nghiệp thành lập mới cả nước đạt kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay với 126.859 doanh nghiệp, tăng 15,2% so với năm 2016. Tổng số doanh nghiệp đang hoạt động đến hết năm 2017 ước tính trên 561.000 doanh nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh có lãi đạt 47,3%, trong đó, DNNN kinh doanh có lãi chiếm 83,5% trong khối này, doanh nghiệp FDI là 54,4% và thấp nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước: 47%. Như vậy, so với trước đây, số doanh nghiệp làm ăn có lãi đã tăng lên nhiều, trong đó trên 80% số DNNN làm ăn có lãi trong khi năm 2012 chỉ có khoảng 30%.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp gấp tới 15,52 lần giá trị sổ sách là con số chưa từng có, trong đó riêng thoái vốn tại Sabeco mang lại giá trị gấp 32 lần mệnh giá, đạt lợi ích tối đa. “Tất cả tiền bán vốn đều đưa vào ngân sách nhà nước phục vụ cho đầu tư phát triển”, Phó Thủ tướng khẳng định. Chưa bao giờ Chính phủ ban hành danh mục bán vốn tại doanh nghiệp, danh mục IPO tới năm 2020 và công khai cho các nhà đầu tư biết như năm 2017.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, kết quả đạt được không đồng đều, một số bộ, ngành còn chậm cổ phần hóa, bán vốn, tâm lý một số nơi quá thận trọng, nhiều nơi sợ sai, sợ phải giải trình. Nhiều DNNN đã cổ phần hóa nhưng vẫn không chịu niêm yết, dù đã đủ điều kiện, đây là việc phải chấn chỉnh. Số doanh nghiệp đang hoạt động còn xa mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020. Như vậy, bình quân từ nay mỗi năm phải thành lập mới 180.000 doanh nghiệp khi mà chỉ tiêu năm 2018 cả nước thành lập mới 135.000 doanh nghiệp. 85% DNNN làm ăn có lãi nhưng tỷ suất lợi nhuận tính trên vốn và trên doanh thu còn thấp. Chi phí tài chính của doanh nghiệp vẫn còn cao, chưa kể chi phí ngầm, “bôi trơn”, không chính thức. “Sức khỏe của doanh nghiệp thế này vẫn chưa yên tâm được”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị, năm 2018 là năm cao trào về cổ phần hóa, bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Trong quý 1-2018 sẽ có 4 doanh nghiệp lên sàn chứng khoán là Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tổng Công ty Dầu Việt Nam, Điện lực Dầu khí, Lọc hóa dầu Bình Sơn. Đây là các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn nhất trong tổng số 69 tập đoàn, tổng công ty đã được cổ phần hóa năm 2017.  “Cần sớm thành lập và đưa vào hoạt động Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Khi chưa thành lập được ủy ban, các bộ không được phép buông tay với nhiệm vụ cổ phần hóa, bán vốn”, Phó Thủ tướng lưu ý. Đích của cổ phần hóa, thoái vốn phải là nâng cao năng lực và hiệu quả đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu, tất cả doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa đều phải rà soát đến từng mét vuông đất. Những doanh nghiệp có quy mô vốn nhà nước từ 1.800 tỷ đồng trở lên bắt buộc phải kiểm toán trước khi tiến hành cổ phần hóa. Những doanh nghiệp có quy mô vốn nhỏ hơn, nếu thấy cần thiết, Chính phủ vẫn tiến hành kiểm toán thẩm định giá.

Tin cùng chuyên mục