Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh (ĐTTM) giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025” được UBND TPHCM công bố hồi cuối tháng 11-2017, đã xác định rõ nền tảng kiến trúc công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) theo hướng kiến tạo hệ sinh thái mở và sẽ trải qua 3 giai đoạn thực hiện. Để giúp 4 chủ thể chính của ĐTTM là chính quyền, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội kịp thời nắm bắt yêu cầu, phần việc được triển khai trong năm 2018 (năm có tính chất khởi động cho đề án), phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, đơn vị thường trực của đề án.
PHÓNG VIÊN: Thưa ông, sau khi TPHCM công bố đề án xây dựng ĐTTM, những công việc nào được thường trực ban điều hành đề án xác định thực hiện trong năm 2018?
Ông DƯƠNG ANH ĐỨC: Theo kế hoạch được thông qua, trong tháng 1-2018, TPHCM sẽ phê duyệt kế hoạch xây dựng 4 trung tâm: Kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở; Trung tâm Mô phỏng dự báo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; Trung tâm Điều hành ĐTTM và Trung tâm An toàn thông tin. Chậm nhất đến 20-1, quận 1, quận 12 và Khu đô thị mới Thủ Thiêm phải trình kế hoạch thí điểm để lấy ý kiến góp ý; từng sở ngành, quận huyện phải hoàn thành phác thảo kế hoạch thực hiện đề án trước 30-1. Từ đây đến cuối năm, sẽ có thêm các hoạt động như tổ chức hội nghị chuyên đề về kêu gọi đầu tư vào các nội dung thuộc 4 trung tâm theo đề án; hội chợ triển lãm sản phẩm, dịch vụ CNTT; tuyên truyền, công khai nội dung đề án, kế hoạch triển khai… để lắng nghe ý kiến đóng góp của người dân, các chuyên gia, các tổ chức, cũng như kêu gọi sự tham gia thực hiện đề án của các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước có năng lực phù hợp.
Ông Dương Anh Đức, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM
Về kinh phí thực hiện, ban điều hành đề án sẽ xác định cụ thể, dự án nào sử dụng vốn ngân sách, dự án nào cần xã hội hóa, dự án nào đã thiết lập vốn nhưng cần bổ sung để trình xin ý kiến HĐND TP. Trong quá trình triển khai các phần việc, nhiệm vụ của năm sẽ đẩy mạnh kết nối, trao đổi giữa ban điều hành với các đơn vị. Tinh thần chung là xác định rõ công việc thực hiện, thời điểm triển khai, cách thức phân bổ nguồn lực.
Cách thức và tiến độ của 3 đơn vị được chọn triển khai thí điểm sẽ khác gì so với các sở ngành, quận huyện còn lại, thưa ông?
Khi chọn 3 đơn vị thí điểm, TP có lưu ý đến tính đại diện của họ: một quận trung tâm với hạ tầng CNTT tương đối phát triển; một quận vùng ven và một khu đô thị mới. Các đơn vị này sẽ có nhiệm vụ dựa trên đặc thù của mình, nhất là các điểm mạnh để lên kế hoạch đi trước các đơn vị khác một bước. Qua rút kinh nghiệm của 3 đơn vị này theo từng giai đoạn sẽ giúp các đơn vị khác có hình mẫu để xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp cho mình. Việc triển khai thí điểm sẽ giúp có điều kiện thử nghiệm và kiểm tra trước các cơ chế chia sẻ, hợp tác giữa các đơn vị với TP, giữa họ với nhau khi khai thác kho dữ liệu dùng chung, cũng như phối hợp, phân cấp trong điều hành.
Các đơn vị khác tuy không tham gia thí điểm nhưng vẫn phải có những bước chuẩn bị ngay từ bây giờ. Chậm nhất đầu năm 2019 sẽ phải thật sự triển khai các phần việc của mình. Thậm chí, nếu có đơn vị tích cực, chủ động và sẵn sàng thì có thể khởi động sớm, cùng với các đơn vị thí điểm, nếu điều kiện cho phép.
Bản chất làm đô thị thông minh giúp TPHCM bớt “giật mình”, tức là mọi thứ dự báo được. Muốn dự báo phải trên cơ sở dữ liệu thu thập theo thời gian thực. Vậy thưa ông, TPHCM chọn giải pháp nào xây dựng kho dữ liệu dùng chung?
Kho dữ liệu dùng chung được xây dựng trên cơ sở tích hợp các cơ sở dữ liệu từ các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và các nguồn dữ liệu khác (bao gồm cả cơ chế khai thác, trao đổi và chia sẻ dữ liệu phù hợp) làm cơ sở triển khai các ứng dụng phục vụ công tác khai thác và phân tích thông tin cho các sở, ban, ngành, quận, huyện và tiến tới chia sẻ theo cơ chế mở để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức có thể khai thác, tạo ra các giá trị gia tăng.
Vấn đề trước tiên nhất vẫn là tạo lập cơ sở dữ liệu chuyên ngành, dự kiến bắt đầu với 4 nguồn chính: Cơ sở dữ liệu dân cư; cơ sở dữ liệu Hệ thống thông tin địa lý (GIS) để quản lý đô thị trên bản đồ số; dữ liệu hoạt động doanh nghiệp và cuối cùng là liên thông hệ thống quản lý văn bản, quyết định hành chính điện tử. Tuy nhiên, phải xác định được kiến trúc của kho dữ liệu, tức là TP cần những loại dữ liệu nào, thuộc tính của chúng... Tiếp đó, TP cũng phải công bố và quy định cơ chế, chuẩn trao đổi, chia sẻ và quản lý thông tin; cơ chế kiểm tra và đối soát dữ liệu kèm các quy định khen thưởng, xử phạt phân minh.
TPHCM có chủ trương, yêu cầu gì để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia cùng TP thực hiện đề án? Cơ hội nào cho doanh nghiệp trong nước?
Khung giải pháp ĐTTM cho TPHCM được xây dựng trên cơ sở nguyên tắc mở. Các đơn vị công nghệ trong và ngoài nước đều có thể tham gia triển khai. Cùng với các nhà tư vấn và đối tác chiến lược của mình, TP sẽ tìm kiếm các đối tác lớn trong và ngoài nước và sử dụng các công nghệ phù hợp nhất để triển khai các mục tiêu của đề án này. Việc xây dựng các trung tâm cũng như các thành tố của đề án sẽ được TP kêu gọi, thu hút các nguồn lực từ xã hội, nhất là các doanh nghiệp. TP cũng hướng tới hình thành sàn giao dịch, triển lãm để kết nối doanh nghiệp giới thiệu và phát triển sản phẩm của mình phục vụ cho đề án, qua đó doanh nghiệp có cơ hội trưởng thành, phát triển, nền kinh tế TP ngày một phát triển vững chắc hơn.