Năm 2022, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông an toàn

Nhiệm vụ trong quý II-2022, TPHCM đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông theo chủ đề năm an toàn giao thông 2022 “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” với nhiều hình thức đa dạng, thu hút, nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể.
Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm báo cáo tình hình an toàn giao thông trên địa bàn TPHCM tại hội nghị. Ảnh: QUỐC hÙNG
Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm báo cáo tình hình an toàn giao thông trên địa bàn TPHCM tại hội nghị. Ảnh: QUỐC hÙNG

Sáng 14-4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự ATGT quý I-2022 và phương hướng, nhiệm vụ quý II-2022. Tại điểm cầu TPHCM đến dự có Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu cùng các sở ban ngành…

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm cho biết, trong quý I-2022, TPHCM xảy ra 517 vụ tai nạn giao thông, làm chết 169 người và bị thương 339 người; so với cùng kỳ năm 2021 giảm 75 vụ (-12,7%), giảm 32 người bị thương (-8,6%) và tăng 2 người chết (+1,2%). Kiểm tra, xử lý 104.904 trường hợp vi phạm lĩnh vực giao thông với tổng số tiền xử phạt 105 tỷ đồng, tước Giấy phép lái xe 11.380 trường hợp.

Nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, theo ông Trần Quang Lâm, ngay từ đầu năm 2022, TPHCM đã xây dựng kế hoạch chi tiết xử lý các điểm đen tai nạn giao thông và điểm nguy cơ ùn tắc giao thông. Đến nay đã xóa được 3 điểm và 1 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông, hiện còn 4 điểm đen và 18 điểm nguy cơ ùn tắc giao thông. Đẩy nhanh tiến độ thi công chuẩn bị đưa vào sử dụng 3 công trình trước ngày 30-4 như cầu Thủ Thiêm 2, đường và kênh nước Đen, đường song hành Võ Văn Kiệt. Hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng đường Vành đai 3 TPHCM; hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án trọng điểm (cao tốc TPHCM - Mộc Bài, Vành đai 2, tăng cường khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc tuyến đường sắt đô thị 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên). Tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc các dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, số 2. Phấn đấu chạy thử tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên cuối năm nay.

Về vận tải hành khách công cộng, từng bước phục hồi vận tải hành khách công cộng sau thời gian ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Khối lượng vận tải hành khách công cộng quý I-2022 đạt 29,4 triệu lượt hành khách (đạt 7,3% so với kế hoạch). Đưa vào hoạt động loại hình vận tải hành khách công cộng mới như xe buýt điện, xe đạp công cộng khu vực quận 1 (500 xe)…

Nhiệm vụ trong quý II-2022, TPHCM đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nâng cao ý thức tự giác của người tham gia giao thông theo chủ đề năm an toàn giao thông 2022 “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” với nhiều hình thức đa dạng, thu hút, nội dung phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể.

Hoàn thành và đưa vào sử dụng trong dịp Lễ kỷ niệm 47 năm ngày thống nhất đất nước 3 công trình gồm cầu Thủ Thiêm 2, dự án nâng cấp, cải tạo đường và kênh nước Đen, đường song hành Võ Văn Kiệt.

Hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Vành đai 3 để Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 5-2022; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục để khởi công một số dự án giao thông trọng điểm vào Quý III-2022 như xây dựng nút giao thông An Phú, TP Thủ Đức; xây dựng, mở rộng quốc lộ 50, huyện Bình Chánh; dự án phát triển Giao thông xanh TPHCM; xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, kết nối với nhà ga T3.

Triển khai chương trình chuyển đổi số lĩnh vực giao thông vận tải. Đẩy mạnh đầu tư, mở rộng mạng lưới camera giám sát giao thông hiện đại để kiểm soát tình trạng giao thông. Rà soát, điều chỉnh tổ chức phân luồng giao thông khoa học, hợp lý trên các tuyến giao thông trọng điểm, các tuyến cửa ngõ ra vào Thành phố, các tuyến đường kết nối với các đầu mối giao thông trọng điểm (cảng hàng không, cảng biển, ga đường sắt, bến xe khách,...).

Nâng cao năng lực, chất lượng và khuyến khích sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng; triển khai một số giải pháp để hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, tổ chức làn đường dành riêng cho xe đạp.

Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm soát tải trọng phương tiện giao thông theo Chỉ thị số 32/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND TPHCM kiến nghị, Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông tiếp tục phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông thực hiện việc tuần tra kiểm soát xử lý hành vi vi phạm chở hàng quá trọng tải của xe ô tô vận chuyển hàng hóa trên đường bộ cũng như công tác đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực các trạm cân tự động, trạm cân lưu động.

Bộ Giao thông Vận tải xem xét hướng dẫn triển khai “xử phạt nguội” trong công tác kiểm soát tải trọng xe nhằm phát huy hiệu quả các trạm kiểm tra tải trọng xe tự động đã đầu tư trên địa bàn TPHCM (đặc biệt là các trạm kiểm tra tải trọng xe tự động tại trạm thu phí An Sương - An Lạc tập trung mật độ phương tiện lưu thông rất lớn).

Tin cùng chuyên mục