Nhiều trường học được trưng dụng
Bước vào năm học mới, toàn tỉnh Bình Dương có 31 trường học được xây dựng mới, nâng cấp, với tổng mức đầu tư gần 2.200 tỷ đồng, trong đó có 8 trường công lập kịp đưa vào khai giảng năm học 2021-2022. Tuy vậy, toàn tỉnh cũng có 198 trường học, trong đó có 97 trường TH, 64 trường THCS... đang là khu cách ly, cơ sở thu dung điều trị Covid-19; có 281 học sinh (HS) là F0, một số khác đang bị cách ly tập trung không thể tham gia học trực tuyến vào đầu năm học mới. Bên cạnh đó, số cán bộ, giáo viên, nhân viên chưa được tiêm vaccine Covid-19 còn khoảng 17% do có bệnh nền, đang mang thai... Đặc biệt là có gần 7.000 viên chức ngành giáo dục (khoảng 35%) đang tham gia phòng chống dịch Covid-19 và trong đó hơn 100 người mắc Covid-19 khiến Bình Dương chưa thể bắt đầu năm học mới như thường lệ.
Cũng do tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang diễn biến khá phức tạp nên có đến 192 trường học các cấp đang được trưng dụng làm khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến. Trong đó, Trường THPT Trấn Biên (TP Biên Hòa) được sử dụng làm Bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị Covid-19. Vì vậy, những tuần đầu của năm học mới, thầy và trò ở Đồng Nai sẽ bắt đầu bằng hình thức học trực tuyến. Tuy nhiên, hiện còn một số học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số, học sinh vùng miền núi trên địa bàn tỉnh không có thiết bị để tham gia học tập.
Tại tỉnh Tây Ninh, hiện đang có 77/400 trường đã được trưng dụng làm khu cách ly, có một số giáo viên là F0 và hơn 500 giáo viên tham gia tình nguyện phòng chống dịch… nên việc bắt đầu năm học mới được dời đến ngày 13-9.
Chật vật ứng phó
Theo Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương, địa phương đã chuẩn bị 4 phương án triển khai năm học mới tương ứng với các cấp độ dịch bệnh là bình thường mới, nguy cơ, nguy cơ cao và nguy cơ rất cao; phương thức dạy học gồm trực tiếp và trực tuyến. Bên cạnh việc thiếu giáo viên và trường học do được huy động tham gia phòng chống dịch hoặc trưng dụng làm khu cách ly tập trung thì thách thức lớn nhất với ngành giáo dục tỉnh Bình Dương chính là thiếu trang thiết bị máy tính cho các em học sinh và hệ thống mạng kết nối ổn định.
Phụ huynh em Trần Lê Minh Thư (HS lớp 4, Trường TH Tân Bình, TP Dĩ An) cho biết, máy tính ở nhà đã cũ hay bị trục trặc, dùng khoảng nửa tiếng là bị tắt máy; trong nhà còn có em trai út khá hiếu động, hay trêu chọc chị nên khó giữ trật tự để tập trung học online hiệu quả.
Còn anh Nguyễn Văn Dũng, phụ huynh em Nguyễn Tấn Tài, (HS lớp 8, Trường THCS Nguyễn Văn Tiết, TP Thuận An) thì lo lắng: “Cháu về quê từ khi dịch diễn biến phức tạp, ở quê với ông bà lại không có máy tính và hiện cũng đang thực hiện giãn cách xã hội nên vợ chồng tôi chưa biết cháu sẽ bắt đầu năm học mới như thế nào”.
Để đối phó với khó khăn này, bà Nguyễn Thị Nhật Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương, cho biết, sở đang triển khai kế hoạch kêu gọi hỗ trợ từ các giáo viên, cựu học sinh, các nhà tài trợ… để hỗ trợ trang bị máy tính, điện thoại hoặc tiền mặt cho học sinh khó khăn có thiết bị học tập trực tuyến.
Tại Đồng Nai, Sở GD-ĐT vừa có tờ trình UBND tỉnh xin ý kiến về việc hỗ trợ thiết bị học trực tuyến cho các em học sinh. Theo đó, UBND tỉnh kêu gọi các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức cá nhân ủng hộ máy tính, lap top, điện thoại thông minh, máy tính bảng (cũ và mới). Toàn bộ thiết bị vận động được sẽ phân phối về các trường để học sinh mượn phục vụ cho việc học tập trong thời gian không thể đến trường do dịch bệnh.
Còn tại Bình Phước, theo ông Lý Thanh Tâm, Giám đốc Sở GD-ĐT, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, toàn bộ 258.982 học sinh trên địa bàn sẽ học bằng hình thức trực tuyến. Theo đó, sở đã triển khai tập huấn, luyện tập cho giáo viên để thực hiện nhuần nhuyễn việc sử dụng các phần mềm, ứng dụng dạy và học trực tuyến; hướng dẫn các trường học lựa chọn nội dung thích hợp trong dạy và học trực tuyến, không nóng vội trong dạy kiến thức mới; tập trung vào các nội dung ôn tập, rèn luyện và hình thành các phẩm chất, năng lực cần thiết cho học trực tuyến.
Ông Phạm Ngọc Hải, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh, cho rằng, việc triển khai dạy học trực tuyến thách thức nhất là ở cấp tiểu học, đặc biệt là khối lớp 1, vì vậy ngành đã chuẩn bị nhiều phương án như: hướng dẫn học sinh học tập qua bài giảng trên truyền hình, YouTube, cử tình nguyện viên đến tận nhà hướng dẫn phụ huynh dạy học cho con em mình và khi đi học trực tiếp, các trường sẽ có chương trình bổ sung kiến thức cho học sinh. Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh đã chuẩn bị các nền tảng công nghệ để triển khai dạy trực tuyến như: VNPT E-learning, Viettel Study, Microsoft Teams, Shub Classroom, Olm.vn, K12Online, MobiEdu và các phần mềm hỗ trợ giảng dạy trực tuyến như: Zoom, Google meet, Google classroom, Mobimeeting, Zalo, Facebook Messenger.
Theo kế hoạch, học sinh các bậc THCS và THPT của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu học trực tuyến từ ngày 6-9 nhưng vẫn còn một bộ phận học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến nên tỉnh đã lùi thời gian thực học đến ngày 20-9. Riêng hệ giáo dục mầm non không tổ chức dạy học trực tuyến, nhà trường gửi video hỗ trợ phụ huynh trong việc giáo dục, chăm sóc trẻ tại nhà. Trong điều kiện dịch bệnh còn có thể kéo dài, toàn tỉnh thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, vừa ưu tiên chống dịch vừa tổ chức dạy học trực tuyến, tận dụng tối đa thời gian tổ chức dạy học trực tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát; xây dựng chính sách hỗ trợ, miễn giảm học phí; hỗ trợ kịp thời sách giáo khoa, vận động trao tặng thiết bị học tập giúp học sinh khó khăn có điều kiện học trực tuyến, tuyệt đối không để một học sinh nào không được học tập do hoàn cảnh khó khăn.