Nạn xâm hại tình dục qua góc nhìn của chuyên gia

Thừa nhận ấu dâm là một chứng bệnh

Thời gian gần đây cụm từ xâm hại tình dục trẻ em đã khiến cả xã hội khiếp sợ. Nhưng theo chuyên gia tâm lý Tiến sĩ (TS) Phan Thị Huyền Trân (Pepper), tốt nghiệp tiến sĩ tâm lý học Trường Đại học Liberty (Hoa Kỳ) - người sáng lập Merry Kingdom Education, cần có một cách nhìn đa chiều hơn về vấn đề này: “Chúng ta càng khiếp sợ, càng lên án những tội phạm xâm hại tình dục trẻ em sẽ càng khiến những người đang mắc bệnh ấu dâm che giấu và từ chối điều trị để phục hồi”.

TS Phan Thị Huyền Trân trò chuyện với trẻ trong một chuyến đi từ thiện

Thừa nhận ấu dâm là một chứng bệnh

Hiểu đúng về ấu dâm. Trước hết, cần phải nhận thức đúng và thừa nhận ấu dâm là một chứng rối loạn tình dục bao gồm những ham muốn tình dục đối với trẻ em dưới tuổi vị thành niên, tức là khoảng dưới 14 tuổi. Người mắc bệnh phải ít nhất 16 tuổi và lớn hơn trẻ bị hại ít nhất 5 tuổi. Người phạm tội xâm phạm tình dục trẻ em chưa chắc là người mắc bệnh ấu dâm và ngược lại không phải ai mắc bệnh ấu dâm với trẻ em cũng có hành vi tình dục với trẻ em. Trừ khi họ có một ham muốn tình dục mạnh mẽ ở trẻ em và không tự mình cưỡng lại được ham muốn ấy. Bất thường này sẽ xuất hiện ở độ tuổi dậy thì khi họ tự phát hiện mình không có nhu cầu tình dục với người cùng tuổi mà chỉ tập trung vào đối tượng trẻ em. Họ không thể chọn xu hướng tình dục của bản thân khiến việc điều khiển được hành vi trở thành việc hầu như không thể.

Nguyên nhân. Từ năm 2002, một số nghiên cứu về yếu tố sinh học gây ra bệnh ấu dâm được tiến hành. Các yếu tố được nghiên cứu và giả thuyết đưa ra gồm có: chỉ số IQ và trí nhớ kém, ít hormone testosterone, có ít chất trắng trong não bộ. Về nhân tố tâm lý, các vấn đề về sự gắn bó hoặc gia cảnh bất thường, đã từng là nạn nhân bị quấy rối khi còn nhỏ cũng có thể là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh ấu dâm.

Cách chữa trị. Ấu dâm là một bệnh mãn tính, việc điều trị  phải được duy trì. Một số bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc để làm giảm ham muốn tình dục, tuy nhiên đây không phải là phương pháp điều trị hiệu quả.

Ở một người bình thường, khi chúng ta nảy sinh một ham muốn sai trái, não bộ sẽ phản ứng bằng những suy nghĩ mạnh mẽ, còn người bị bệnh ấu dâm, khi họ nhìn thấy một đứa trẻ, họ không có những phản ứng về suy nghĩ chống lại hành động xấu. Vì yếu tố tâm lý vẫn được xem là ảnh hưởng mạnh mẽ đến người mắc bệnh ấu dâm nên phương pháp điều trị chủ yếu vẫn là theo dõi và đoán trước các trường hợp có thể xảy ra hành động sai lầm để thay đổi quy tắc não bộ, thôi miên trị liệu... Ngoài ra, người bệnh phải có cuộc sống lành mạnh, có đời sống tình dục bình thường với người khác giới và giao tiếp xã hội.

Hãy nhìn từ góc độ của một đứa trẻ

Ấu dâm bắt đầu xuất hiện từ tuổi dậy thì. Một người bị bệnh ấu dâm có thể phục hồi và sống bình thường nếu được phát hiện kịp thời, tránh những tác nhân xấu và chữa trị đúng cách. Hãy đồng hành cùng con bạn bước qua tuổi dậy thì; Nếu bạn có một đứa trẻ có khiếm khuyết về cơ thể, ngoại hình hay suy nghĩ, đừng chê bai, đừng phân biệt đối xử; Hãy kiểm soát và giúp con tránh xa những hình ảnh, phim ảnh... tiêu cực; Nếu gia đình có trẻ từng bị xâm hại, lạm dụng tình dục, hãy đưa trẻ đến với chuyên gia để tránh những rối loạn liên quan đến sức khỏe sinh sản và tâm lý.

Giúp trẻ nhận thức về cơ thể và xác định giới hạn. Theo các nghiên cứu về các đối tượng xâm hại tình dục trẻ em, thủ phạm thường gặp nhất là những thành viên trong gia đình hoặc những người quen biết (bạn bè của gia đình, hàng xóm, người trông trẻ…). Trường hợp trẻ em bị lạm dụng tình dục do người lạ mặt chỉ chiếm khoảng 10%.

Chúng ta đã nhắc nhiều đến quy tắc đồ lót (PANTS rules) P - Private (Riêng tư); Always remember your body belongs to you (Luôn nhớ cơ thể con thuộc về con); No means no (Không là không - nói không với những động chạm quá giới hạn); Talk (Kể với bố mẹ về những bất thường) ; S - Speak up (Lên tiếng).

Nhưng để giải thích và áp dụng thành công là một điều không hề đơn giản. TS Huyền Trân cho lời khuyên với các bậc phụ huynh, hãy cho trẻ mặc đồ bơi hay đồ lót và đứng trước gương, chỉ cho con thấy và ghi nhớ rằng những khu vực được đồ bơi chen chắn là của riêng con, nếu ai động vào, kể cả những người thân quen của con, con đều phải lập tức từ chối, báo cho người lớn xung quanh biết và kể lại ngay với bố mẹ.

Chuẩn bị cho trẻ cách tự vệ. “Hãy cho con bạn đi học võ nếu có điều kiện. Nếu không đủ điều kiện cho con đi học võ hãy dạy cho trẻ cách tự vệ. Hãy dạy con cắn vào đối phương nếu họ tiếp tục động chạm vào vùng riêng tư của con khi con đã tỏ ý không cho phép...

Quy tắc của bí mật. Cha mẹ phải biết tất cả mọi việc sắp, đang và đã xảy ra với con mình. Để làm được điều đó không còn cách nào khác là phải làm bạn cùng con. Điều quan trọng hơn cả, bố mẹ phải tập kiểm soát cảm xúc bản thân, nếu ngày hôm nay bạn thịnh nộ vì trẻ bị điểm kém, có thể ngày mai trẻ sẽ gặp một ai đó, một chuyện gì đó mà không hề hé răng với bạn.

Nếu con bạn là một nạn nhân. Ngoài việc đưa trẻ đến các chuyên gia tâm lý, những người thân trong gia đình phải tích cực hỗ trợ trẻ phục hồi những tổn thương cơ thể và tâm lý. Hãy giúp trẻ hiểu được rằng “Con từng bị tổn thương nhưng con sẽ mạnh mẽ hơn vì điều đó, con chỉ có một ngày tồi tệ và mọi điều tốt đẹp vẫn còn ở phía trước”.


NHƯ Ý

Tin cùng chuyên mục