Nâng cao chất lượng nghề du lịch tại Quảng Nam

Sáng 26-12, tại TP Hội An, Sở VH-TT&DL Quảng Nam phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch quốc gia cho gần 80 doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh.

Nâng cao chất lượng nghề du lịch tại Quảng Nam
Hội nghị thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp du lịch trên đia bàn tỉnh
Theo số liệu khảo sát từ Sở VH,TT&DL, tính đến hết năm 2017 ngành du lịch Quảng Nam sử dụng khoảng 13.000 lao động, chủ yếu làm việc tại các doanh nghiệp lữ hành và các cơ sở dịch vụ du lịch (lưu trú, lữ hành, vận chuyển, dịch vụ nhà hàng, hướng dẫn viên…). Trong đó, khối lưu trú chiếm số lượng nhiều nhất (60%); lữ hành, vận chuyển, hướng dẫn viên (10%); khối các dịch vụ khác (30%).

Bên cạnh những ưu điểm như đa số lao động trẻ tuổi, năng động, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ tốt do được đào tạo bài bản, phù hợp với yêu cầu công việc thực tiễn; môi trường làm việc ngày càng chuyên nghiệp…. Nguồn nhân lực du lịch Quảng Nam cũng bộc lộ nhiều hạn chế như chất lượng đội ngũ nhân lực không đồng đều về chuyên môn lẫn khả năng ngoại ngữ; thiếu lao động lành nghề; khan hiếm về nhân lực cấp quản lý có chuyên môn cao; chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên tại các khu, điểm di tích còn yếu về kỹ năng, thiếu kinh nghiệm nghề nghiệp, kiến thức văn hóa, lịch sử; khả năng giao tiếp ngoại ngữ, nhất là những ngoại ngữ “hiếm” như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc… chưa đảm bảo.

Đặc biệt, tỷ lệ lao động được cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn VTOS (Tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam) tương đối thấp (khoảng 20%); chứng chỉ đào tạo viên (khoảng 10%); mức độ đáp ứng yêu cầu công việc chỉ đạt tỷ lệ từ 40-60% tùy theo ngành nghề; khoảng 10% đáp ứng vượt mức kỳ vọng của công việc, tập trung chủ yếu ở các khối cơ sở lưu trú du lịch (từ 3 sao trở lên) hoặc doanh nghiệp quốc tế và các cơ sở dịch vụ, du lịch cao cấp.

Chính điều này đã tạo nên sự dịch chuyển gay gắt và thiếu hụt về lao động giữa các doanh nghiệp đã hoạt động và chuẩn bị hoạt động, nhất là với các cơ sở lưu trú từ 2 sao trở xuống.

Nguồn nhân lực du lịch Quảng Nam đối diện với nhiều thiếu hụt về ký năng chuyên môn và kinh nghiệm
Tại Hội nghị, các đại biểu, đại diện chủ doanh nghiệp, các trường nghề du lịch đã được nghe đại diện Sở VH-TT&DL; Sở LĐ-TB&XH Quảng Nam triển khai những tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch quốc gia theo Quyết định số 1383/QĐ-LĐTBXH và Quyết định số 1385/QĐ-LĐTBXH ngày 31-8-2017 của Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội; Quyết định số 3577/QĐ-UBND ngày 14-10-2016 của UBND tỉnh Quảng Nam về chính sách hỗ trợ đào tạo lao động cho chương trình, dự án trọng điểm và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020.
Qua đó, nắm bắt, xây dựng những kế hoạch nhằm chuẩn bị nguồn lao động tại chỗ cũng như cung cấp lao động cho thị trường về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển và nâng cao chất lượng nguồn lao động du lịch Quảng Nam thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục