Nâng cao hơn nữa năng lực của cán bộ, thường xuyên đào tạo, tập huấn, cập nhật thông tin

Ngày 20-7, Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2022. 
Theo báo cáo của Ban Kinh tế Trung ương, năm 2022 là năm thứ hai cả hệ thống chính trị tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; tình hình dịch bệnh Covid-19 bước đầu được kiểm soát, nền kinh tế đã có những dấu hiệu khởi sắc và phục hồi.
Nâng cao hơn nữa năng lực của cán bộ, thường xuyên đào tạo, tập huấn, cập nhật thông tin ảnh 1 Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương
Trong 6 tháng đầu năm, Ban Kinh tế Trung ương đã tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai, hoàn thành các đề án chuyển tiếp từ năm 2021 và chủ động xây dựng kế hoạch để tổ chức triển khai các đề án được giao năm 2022.
Bên cạnh việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao theo kế hoạch, Ban Kinh tế Trung ương đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức nghiên cứu một số nội dung phục vụ công tác tổng kết, tham mưu, đề xuất của Ban về một số chủ trương, chính sách lớn của Đảng thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội gắn với mục tiêu của Văn kiện và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Sáu tháng đầu năm 2022, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ theo kế hoạch, chương trình công tác năm 2022 đề ra, đặc biệt trong việc triển khai xây dựng các đề án trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong năm 2022.
Kết luận hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, với vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, sau hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, năm 2022 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Ban Kinh tế Trung ương. Bởi đây là năm mà Ban Kinh tế Trung ương được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng và trình nhiều Đề án quan trọng lên Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, thông qua, ban hành những chủ trương, định hướng quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng chỉ ra một số khó khăn, hạn chế cũng như thách thức cần được nhìn nhận để khắc phục, đổi mới nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng triển khai công việc của Ban trong thời gian tới.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương yêu cầu tập thể lãnh đạo Ban và người đứng đầu các đơn vị nâng cao quyết tâm chính trị và trách nhiệm nêu gương; Các cấp ủy Đảng cần vào cuộc cùng với chính quyền bảo đảm điều kiện công tác, môi trường làm việc tại cơ quan, đơn vị; Phát huy tốt hơn nữa truyền thống và các bài học kinh nghiệm để triển khai công tác trong thời gian tới; Xây dựng các chương trình làm việc, kế hoạch cho từng đề án một cách khoa học, bám sát thực tiễn; Cần phân định rõ trách nhiệm của từng người, từng khâu trong hệ thống, đặc biệt trong đề án, người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Ban về công việc của đơn vị mình; nâng cao hơn nữa năng lực của cán bộ, thường xuyên đào tạo, tập huấn, cập nhật thông tin.

Tin cùng chuyên mục